Con chuẩn bị vào lớp 1, cha mẹ cần chuẩn bị những gì?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
18/06/2020 15:38 GMT+7

Trẻ ở bậc mầm non chủ yếu hoạt động vui chơi, khi vào lớp 1, các em sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn mới theo chương trình học, giờ giấc của trường nên cần có bước chuẩn bị để các em dễ thích nghi.

Tiểu học được xem là bậc học quan trọng trong hành trình giáo dục trẻ. Đây là bậc học đầu tiên trong hành trình học tập chính quy của mỗi người, do vậy cần chuẩn bị kỹ cho con trước khi bước vào giai đoạn này.

Chuẩn bị cảm xúc, tâm lý cho con

Đầu tiên, theo cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập và điều hành Trường mầm non ngoại khóa Tomato Children’s Home (TP.HCM), đó là cảm xúc và yếu tố tâm lý. Nếu ngay từ lần đầu tiên đi học này, trẻ đã được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng, giáo viên, phụ huynh tạo được cho bé tâm lý hứng thú, hào hứng tìm hiểu thì bé sẽ có suy nghĩ rằng đi học rất thú vị và sẽ có nhìn nhận tốt về việc đi học. Và ngược lại, nếu bé không được chuẩn bị, ngay giai đoạn chuyển tiếp bé bị “ném thẳng” vào lớp 1, các con sẽ rất dễ bị sốc, sợ hãi, áp lực khi đi học.
Để tạo tâm lý thoải mái cho con, cha mẹ có thế cho con làm quen dần với mô hình lớp 1 từ trước như cho con tham quan trường tiểu học, kể cho con nghe về những việc con sẽ làm khi vào bậc học này như sẽ dậy sớm hơn, cô giáo có thể sẽ giao bài tập, giờ chơi của con sẽ ít lại…
Đặc biệt, cha mẹ không nên dọa, hoặc kể về việc học lớp 1 với những điều nặng nề, trách nhiệm vì điều này sẽ khiến con sợ hãi.
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy con kỹ năng nói ra cảm xúc của mình. Đó là dạy con cách gọi tên, nhận biết những cảm xúc của mình và nhìn nhận cảm xúc của người khác bằng con mắt cảm thông, bao dung để giúp trẻ vừa làm chủ được cảm xúc, vừa đồng cảm với người khác. 

Phụ huynh có con sắp vào lớp 1 tham khảo chương trình học 

Nguyễn Loan

Chuẩn bị sao cho vừa đủ?

Bước vào lớp 1, các em sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề như bạo lực học đường, phân chia bè nhóm, phân biệt giàu nghèo, cô giáo thiên vị… Nếu không hóa giải được những vấn đề này con sẽ gặp khó khăn ở trường.
Theo cô Nguyễn Thúy Uyên Phương cha mẹ nên cho con biết trước một số tình huống có thể xảy ra ở trường. Nếu bị bạn bè bắt nạt, cô giáo thờ ơ… con nên chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ. Cha mẹ đồng thời giáo dục con cách giao tiếp với bạn bè để có thể hòa đồng vào lớp học.
Trong khi đó, là người từng có 9 năm kinh nghiệm làm việc trong trường tiểu học, cô Tạ Thị Thu, hiệu phó chuyên môn tiểu học hệ thống Trường mầm non -  tiểu học ICS, nhấn mạnh việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 là bước đệm vô cùng cần thiết. Nhưng chuẩn bị sao cho vừa đủ lại là vấn đề rất khó.
Theo cô Thu, với những bé đã được học trước chương trình lớp 1 thường thời gian đầu bé rất tự tin vì cái gì cũng đã biết, đã học nhưng vì sự tự tin thái quá này bé dễ chểnh mảng nên cuối học kỳ lại bị tụt lại phía sau. Nhưng ngược lại, với những bé vào lớp 1 "như tờ giấy trắng", chưa hề biết gì về quy trình hay những kỹ năng cần thiết thì cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả. 
Do vậy, để con chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh chỉ cần trang bị những kỹ năng cần thiết, chuẩn bị tâm lý cho con là đủ, không cần phải cho bé học trước chương trình.
Đồng tình với quan điểm này, chị Mỹ Linh (ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết có con chuẩn bị vào lớp 1 nên chị cũng khá bối rối, lo lắng từ việc chọn trường, đến việc chuẩn bị thế nào cho con. "Lứa lớp 1 năm tới sẽ học theo chương trình mới nên mẹ con mình đã bắt đầu tìm hiểu về chương trình học, đã chọn được trường phù hợp. Bây giờ, mỗi khi có thời gian mình lại chia sẻ, nói chuyện với con về việc đi học sắp tới để con không bị sốc khi chuyển tiếp sang học ở môi trường mới", chị Mỹ Linh chia sẻ.

Dạy con những kỹ năng cần thiết

Theo cô Nguyễn Thúy Uyên Phương trước khi trẻ vào lớp 1 cha mẹ cần phải chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết.
Đầu tiên là kỹ năng học tập, ví dụ như dạy con biết lắng nghe, tập trung, làm theo hướng dẫn, làm việc nhóm… Những kỹ năng này sẽ nhanh chóng giúp con thích nghi được với môi trường học tập ở bậc tiểu học.
“Nhiều phụ huynh quan điểm rằng sẽ để con phát triển tự nhiên. Nhưng ở đây chúng ta phải hiểu rằng phát triển tự nhiên khác hoàn toàn với ‘phát triển hoang dã’. Phát triển tự nhiên là chúng ta tôn trọng, hỗ trợ sự phát triển của con. Ví dụ đến giai đoạn các con tò mò về chữ viết, số học, hay một môn nghệ thuật nào đó chúng ta nên hỗ trợ, tạo điểu kiện cho con tìm hiểu, học hỏi. Còn phát triển hoang dã là để con tự làm mọi thứ, thích ăn thì ăn, thích ngủ giờ nào thì ngủ, thích làm gì thì làm… Điều này sẽ khiến con gặp khó khăn khi đi vào quy cũ, con sẽ thấy mình không bắt kịp được với bạn bè”, cô Phương chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.