Từ vụ thầy giáo dâm ô học sinh: Dạy con nói ra vấn đề của mình

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
04/06/2020 18:04 GMT+7

Bị xâm hại, dâm ô, bị bạn bè bắt nạt, bạo lực… là những vấn đề mà không ít trẻ em gặp phải. Vậy phải dạy con thế nào để các em có thể tâm sự, nói ra những vấn đề mình đang gặp phải.

Mới đây vụ thầy giáo Nguyễn Hoàng Nhựt ở Trường THCS Phước Minh (Tây Ninh) dâm ô 4 nam sinh khiến nhà trường, phụ huynh và cả xã hội phẫn nộ. Điều đáng nói là có những em đã bị thầy dâm ô nhiều lần, trong thời gian dài từ năm trước đến nay nhưng vẫn chịu đựng, không dám phản kháng hay báo lại cho người lớn để xử lý vấn đề. Vậy làm thế nào để các em biết bảo vệ bản thân mình.

Dạy con nhận biết những nguy cơ gặp phải

Là mẹ của 3 con (bé lớn 14 tuổi, bé thứ hai 12 tuổi và bé út 7 tuổi) đồng thời là tác giả của nhiều sách thiếu nhi, chị Tô Hồng Vân (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng việc giáo dục con về vấn đề bảo vệ bản thân phải là một quá trình lâu dài và kiên nhẫn của phụ huynh.
Về mặt giới tính, chị Vân cho biết chị giáo dục cho con từ khi con còn rất nhỏ và chị kiên nhẫn lặp đi lặp lại rất nhiều lần để con luôn nhắc nhớ và trở thành phản xạ tự nhiên. Và chị dạy con cả cách giải quyết vấn đề khi có chuyện gì đó xảy ra.
Cụ thể, chị cho con rèn luyện cả về sức khỏe lẫn tinh thần từ việc cho con học võ tự vệ, rèn luyện thể lực, đến việc để con tự tìm cách giải quyết, vượt qua những vấn đề của mình.
“Trẻ đi học thì chắc chắn không thể nào không gặp những vấn đề của mình như bạo lực học đường, bị bạn bè phân lập, xa lánh, bị lợi dụng… nhưng mình không thể luôn luôn bao bọc hay theo sát con hằng ngày để bảo vệ con được, mà cần phải dạy con cách giải quyết và vượt qua. Nhưng trong mọi trường hợp mình phải truyền đi thông điệp là con luôn có ba mẹ bên cạnh, những lúc khó khăn con hãy chia sẻ”, chị Vân nói.
Về vấn đề này, cha mẹ phải dành thời gian và kiên nhẫn với con vì không thể chỉ dạy con lần một, lần hai là trẻ nhớ mà phải luôn luôn đồng hành.
Cũng có con gái là học tại Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chị Thu Hương cho biết từ nhỏ chị đã giáo dục giới tính cho con nhưng bản thân chị chưa bao giờ cảm thấy đủ.
Theo chị Hương, từ lúc con 5 tuổi chị đã dạy con biết những vùng nhạy cảm trên cơ thể, dạy con cách bảo vệ bản thân và không để người khác đụng chạm cơ thể. Chị cũng thường xuyên chia sẻ với con chuyện bạn bè, học tập, thầy cô và kể cả chuyện tình yêu. Chỉ cho con những cách giải quyết vấn đề.
“Mình biết thế nào thì dạy con như vậy, nhưng trên thực tế có rất nhiều tình huống mà mình chẳng thể nào ngờ tới. Hơn nữa lúc con còn nhỏ, mình thấy con rất cởi mở, chuyện gì cũng về kể cho mẹ nghe. Nhưng con càng lớn, mình càng cảm thấy khó gần, chuyện tình yêu, bạn bè con cũng kể ít hơn dù mình rất cởi mở nên nhiều khi không khỏi lo lắng”, chị Hương chia sẻ.

Cha mẹ nên cởi mở, tâm sự với con thường xuyên

Chia sẻ về vấn đề giáo dục trẻ cách bảo vệ bản thân, chị Nguyễn Thị Xuân Hường, Sáng lập dự án Lớn lên an toàn, cho rằng việc tố cáo tội ác là một cái gì đó khá to tát với trẻ. Do vậy, trước tiên nhà trường, gia đình hãy tạo môi trường cởi mở để học sinh dễ dàng chia sẻ được với người lớn.
“Hãy hướng cho các em đến chuyện làm sao có thể nói được những vấn đề của mình với người lớn mà mình tin tưởng. Do vậy cách tốt nhất là giáo viên mà đặc biệt là phụ huynh nên cởi mở, tạo cho các em cảm giác tin tưởng, an toàn để có bất cứ vấn đề gì các em có thể nói ra, chia sẻ với người lớn”, chị Xuân Hường chia sẻ.
Trong việc khuyến khích trẻ nói ra vấn đề của mình, trước khi để các em nói ra thì người lớn phải tìm hiểu rào cản nào khiến các em sợ hãi? Thật ra, vấn đề nằm ở môi trường gia đình mà các em sống hằng ngày, môi trường này ảnh hưởng rất lớn đến việc các em có dám chia sẻ hay không. Nếu phụ huynh cởi mở, sẵn sàng lắng nghe con, sẵn sàng chia sẻ kể cả những vấn đề tế nhị thì các em chắc chắn sẽ chia sẻ và ngược lại.
Từng đào tạo về giáo dục an toàn cho hơn 2.000 trẻ em, theo chị Xuân Hường nhiều trẻ cho biết gặp khó khăn khi nói chuyện về giới tính với người lớn, như khi cầm một cuốn sách giáo dục giới tính về nhà đã sợ bị cha mẹ mắng vì họ cho rằng đây là “chuyện người lớn”, trẻ đọc những sách này là hư. Người lớn cũng thường nghi ngờ về những câu chuyện mà trẻ chia sẻ.
“Không phải dạy con như thế nào để con biết nói lại với cha mẹ khi gặp vấn đề mà là mình phải cư xử thế nào để con dám nói ra với mình, thực ra các em biết hết vấn đề là có dám nói ra hay không”, chị Xuân Hường nói thêm.
Nhưng thực tế, theo chị Xuân Hương nhiều phụ huynh cũng không được học về giáo dục giới tính từ nhỏ nên chính bản thân họ cũng không có kiến thức về vấn đề này. Do vậy, để bảo vệ con, phụ huynh trước tiên phải trang bị kiến thức cho mình để dạy và chia sẻ lại với con. Ngoài việc bị xâm hại, dâm ô… trẻ còn gặp rất nhiều rủi ro khác như bị bạn bè bắt nạt, gặp các vấn đề khác ở trường hay với bạn bè… thì việc cởi mở của phụ huynh, giáo viên sẽ giúp trẻ có người để “tâm sự”.
Còn làm sao để dạy các em về vấn đề giữ gìn cơ thể và giới hạn an toàn thì theo chị Hường cần phải có một quá trình dài và liên tục. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã phải chỉ cho con biết những điểm nhạy cảm trên cơ thể, tuyệt đối không để người khác đụng chạm vào; dạy con về những tình huống không an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.