Đêm trước ngày nhận quyết định đình chỉ vụ án, cả nạn nhân và những người liên quan không ai ngủ được. “Tôi cứ nghĩ đây không phải là sự thật”, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) chia sẻ.
[VIDEO] Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
|
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, từ khi nghe tin báo cứ giục em mình là Nguyễn Thị Cảm gọi điện khắp nơi để xác minh. Gần cả năm nay, sức khỏe bà Lan không ổn định. Bà đau ốm liên miên nhưng từ khi nghe tin có quyết định đình chỉ vụ án, bà khỏe hẳn. Bà kể chuyện lúc ở trong tù và nói mãi về những ngày sắp tới. “Gặp lại những người ngày xưa chỉ mặt bảo tôi là “đám ăn cướp”, tôi sẽ kéo họ lại, cho họ xem cái quyết định này để họ biết là tôi bị oan”, bà Lan phấn chấn.
Đặc biệt, trước mặt cô con gái Nguyễn Thị Hòa (bà Lan sinh chị Hòa lúc bị tạm giam, sau đó cho một cặp vợ chồng người quản giáo tốt bụng nuôi, mới đây hai mẹ con vừa nhận lại nhau - PV) bà có thể đường đường, chính chính nói: “Con của mẹ không phải là con kẻ cướp”... Nghĩ đến đây, nét mặt bà giãn ra.
|
Tính chuyện tương lai ở tuổi 75
Ở tuổi 75, bà Lan mới dám nói chuyện về tương lai. Bà bảo, giờ được công nhận là “công dân”, bà sẽ thường xuyên tới nhà con cháu rồi ở lại chơi. Trước đó bà ngại, vì ở lại lâu công an ấp, xã họ tới hỏi giấy tờ, phải trình báo. “Trình báo, biết đâu họ biết lý lịch của mình thì mang tiếng con cháu”, bà Lan nói rồi tính xa, khi yếu hẳn bà sẽ về ở với ông Chiến (em ruột bà). Hai chị em sẽ dựng một cái nhà tranh trên bờ mương cách đường lớn vài chục mét. Từ đây, chị em bà không còn phải sợ người đời bàn tán, chỉ trỏ hay chính quyền để ý nữa...
Sáng 4.4, người phụ nữ khắc khổ Nguyễn Thị Lan tập tễnh bước về phía phòng tiếp công dân nằm ngay bên trái lối vào VKS Tây Ninh.
Cũng giống như những người còn lại, đêm hôm trước (3.4), bà Lan thức trắng. Cầm trên tay tấm thư mời, có lúc bà cười - nụ cười méo xệch. Có lẽ bà không quên được nỗi cay đắng, tủi hổ mà suốt mấy chục năm qua, mẹ con bà phải chịu.
Tôi hỏi bà có tính về lại với ông Nguyễn Văn Chiến (chồng cũ bà Lan, cũng là một thân phận oan sai trong vụ án này, bỏ đi sau khi ra tù - PV), bà Lan cúi mặt: “Gương vỡ làm sao lành lại được. Gáo nước hắt rồi, không thể lấy lại. Giờ cả hai đã già, phần đời còn lại, tôi chỉ muốn thanh thản sống qua ngày”.
Tôi hỏi bà dự định gì sau khi nhận quyết định đình chỉ điều tra, bà cho hay, ngay sau khi có quyết định, bà sẽ dẫn các con về ấp Bùng Binh thăm bà con. Đã nhiều năm nay, bà không về vì sợ người đời bàn tán, dị nghị.
Nửa thế kỷ dằn vặt
Nhận được quyết định này đối với toàn bộ nạn nhân trong vụ án oan sai là niềm vui không thể tả. Với ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”) niềm vui còn lớn lao hơn gấp bội bởi ngoài phần mình, ông còn vui thay anh rể, chị dâu, cho cha mẹ - những người mà suốt gần nửa thế kỷ qua ông luôn cảm thấy dằn vặt, ray rứt vì ông chính là người khai vống cho họ, đẩy họ vào vòng lao lý.
Đứng trước di ảnh người cha đã khuất, ông Dũng vẫn tự trách mình nếu ngày đó chịu nổi đòn roi, nếu ngày đó ông không yếu lòng khai oan cho cha mẹ thì tấn bi kịch gia đình đã không thảm tàn như vậy. Cha ông cũng đã không phải chết trong tiếng nấc cùng lời trăng trối “nhớ giải oan cho ba”.
Suốt buổi sáng 4.4, ông Dũng kè kè bên cạnh mẹ là bà Võ Thị Thương, 94 tuổi, dắt mẹ đi tới, đi lui các phòng ở VKS Tây Ninh. Chốc chốc, ông lại ghé tai, nói thật to những gì cán bộ tại VKS thông báo như để cho mẹ hiểu được và mừng.
Còn bà Thương, từ sau mấy trận ốm thập tử nhất sinh, giờ đã trở nên quá yếu ớt. Bà bảo: “Mừng quá, tưởng chết vẫn không được minh oan. Tôi chỉ lo xuống đó gặp ổng, ổng hỏi thì không biết sao mà trả lời. Nay có được cái quyết định đó thì chết cũng thanh thản”.
Trong lúc ngồi chờ cán bộ của VKS giao quyết định, bà Thương níu tay tôi hỏi: “Ở VN, nay có ai già như tôi mà còn phải ra tòa không cô?”. Có lẽ đúng như lời bà nói, bà là một trong những nạn nhân lớn tuổi nhất mà tôi phải gặp ở chốn pháp đình.
Vẫn là những con người ở vụ án oan 40 năm qua, vẫn những gương mặt khắc khổ của gần một đời thương đau nhưng nay tôi đã nhìn thấy trên môi họ những nụ cười. Những nụ cười sâu lẫn những nếp nhăn, đôi lúc, nhìn như mếu.
|
Bình luận (0)