Cơ quan có nhiệm vụ giúp người dân Côn Đảo trong việc này là ban Hậu cứ Côn Sơn đặt tại Nha Cải Huấn ở Sài Gòn, có nhiệm vụ thông báo cho người dân ngày giờ đến Hậu cứ để được xe tải chở ra sân bay Tân Sơn Nhất.
An Sơn miếu, một trong những ngôi miếu lâu đời tại Côn Đảo |
t.l |
Thời đó, loại phương tiện hàng không cho phép người dân Côn Đảo tháp tùng là những chiếc máy bay vận tải quân sự C123 và C130. Máy bay có khoang rất rộng để chở được nhiều hàng hóa, vật dụng, hành khách ngồi trên hai dãy ghế treo bằng vải xếp dọc theo hai bên hông máy bay. Ngoài hai loại máy bay quân sự này, thời đó, người Mỹ còn ra đảo bằng máy bay Air Cofat loại C47, nhỏ gọn, thường dùng chuyển thư từ hay hàng hóa, vật dụng loại nhẹ.
Về vận chuyển đường thủy, cư dân Côn Đảo thường ra đảo nhờ vào tàu tuần tra của Hải quân. Việc di chuyển này không phù hợp với những người thần kinh yếu, hay say sóng, vì nhiều người kể rằng gặp những lúc biển động, người đi theo tàu chưa quen bị “ói đến mật xanh, mật vàng”.
Ở Côn Đảo những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, những người tù Côn Đảo không chống đối, nhất là những ai đang sống bên ngoài trại giam như công nhân văn phòng, công nhân tư gia, đều có những cơ hội mưu sinh thêm.
Tù nhân trật tự sống trong các chòi cao quanh đảo, nhất là trong mùa gió chướng là mùa gió thổi về hướng đất liền, các trường hợp đóng bè vượt đảo có thể xảy ra. Mỗi tháng một đôi lần, họ xuống thị xã lãnh gạo và cá, mắm quảy lên núi, dành phần lớn thời gian cho việc mưu sinh thêm, phổ biến nhất là trồng rau củ và nuôi gà. Có những chòi trật tự nuôi nhiều đàn gà, khi gà đủ lớn, họ mang xuống thị xã để bán.
Cầu Tàu Côn Đảo 1971 |
t.l |
Tù công nhân tư gia cũng sống thoải mái như vậy, nhất là những người ở với các quan chức trên đảo. Nhà có những khoảnh sân rộng, họ được phép nuôi gà và thực hành một nghề phổ biến là làm đũa ăn. Đũa làm bằng cây “oăng”, loại gỗ chắc thịt, có sớ khác màu như gỗ cẩm lai. Họ tự chế máy chuốt đũa và đánh bóng đũa bằng cách dùng chai thủy tinh lăn mạnh xuống những bó đũa đã thành hình.
Tuy nhiên, nghề làm đũa của người tù không “sang” bằng nghề làm quân cờ tướng. Nguyên liệu vẫn là loại cây oăng, họ làm thành những quân cờ tròn trịa, đều đặn. Phía trên quân cờ (một mặt hoặc cả hai mặt), họ khoét một rãnh đủ sâu để nhét vào mảnh ốc đụn làm thành tên quân cờ (tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã). Loài ốc đụn sáng óng ánh như ốc xà cừ, được nhét sao cho mặt quân cờ thật bằng phẳng, vòng ngoài là một hình vành khăn nhỏ, thật đều đặn.
Sân bay Cỏ Ống tại Côn Đảo |
mapio.net |
Với người tù ở Côn Đảo không có những phương tiện cơ khí phù hợp mà làm được những quân cờ xinh xắn như vậy đã là một kỳ công. Tinh tế hơn nữa là kỹ thuật khắc chữ lên từng quân cờ, sao cho chữ rõ ràng, sắc nét, điều này nói lên cái tài riêng của mỗi người tù. Thông thường ngoài quân cờ, họ cũng làm luôn một bàn cờ bằng gỗ, khi trải ra có thể xếp quân cờ lên để đánh, khi xếp đôi lại trở thành một hộp đựng quân cờ xinh xắn.
Bình luận (0)