Trong thời tuổi trẻ, Sơn Vương - chúa đảo từng nổi tiếng một thời ở Côn Đảo rất thần tượng nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, nhân một lần bị bắt chung với cụ Nguyễn khi có mặt trong một cuộc diễn thuyết kêu gọi lòng yêu nước (1926).
Được thả sau mấy tháng giam cầm, một năm sau (1927), Sơn Vương lại bị bắt trong lễ truy điệu chí sĩ Lương Văn Can, từng là Thục trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục. Tháng 8.1933, Sơn Vương bị đày ra Côn Đảo, rồi sau đó, bị đưa về các nhà lao Hà Tiên, Phú Quốc và được trả tự do năm 1938.
Sơn Vương (1908-1987) |
Nguyễn Q. Thắng |
Ở Sài Gòn được một năm, năm 1939, Sơn Vương bị bắt lại vì đánh ngã một tên mật thám ở Chợ Lớn, bị đày sang Campuchia, vượt ngục trốn sang Thái Lan, bị bắt lại tại Bangkok năm 1942, bị đưa về Khám lớn Sài Gòn và sau đó, bị đày ra Côn Đảo năm 1942 (Nguyễn Q.Thắng – Sơn Vương, nhà văn – người tù thế kỷ - tập 1, NXB Văn học (2007), trang 19-20).
Tại hòn đảo ngục tù Côn Nôn, Sơn Vương tỏ rõ thái độ và hành vi anh hùng hảo hán trong nhiều trường hợp khác nhau, được anh em tù ngưỡng mộ, đặt cho danh hiệu “Đề lao hiệp khách”. Nửa đầu năm 1945, Sài Gòn và nhiều nơi trên cả nước diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: ngày 9.3, quân đội phát xít Nhật đảo chánh Pháp, kiểm soát nhiều nơi; ngày 19.8, Mặt trận Việt Minh giành lấy chính quyền.
Ngay vào những ngày cuối tháng 8, một phái đoàn do ông Văn Cừ cầm đầu được cử từ đất liền ra Côn Đảo, với nhiệm vụ chính là đưa một số tù chính trị trở về đất liền. Giữa tháng 12.1945, phái đoàn Văn Cừ lại trở ra Côn Đảo, lần này nhằm hai mục đích: Triệu hồi về đất liền ông Lê Văn Trá, công chức ngạch Tham tá (commis) đang giữ chức vụ Giám đốc Trại tù Côn Đảo, do ông này bị nhiều tù chính trị tố cáo về những việc làm không chính đáng ở đây.
Tuyển cử người giữ chức vụ Chủ tịch Côn Đảo.
Tổng cộng có 15 ứng cử viên chức vụ trên là công chức hay cựu tù nhân trên đảo, song sau khi kiểm phiếu, không ai đạt được túc số quy định. Trong khi đó, 90% cử tri lại bầu cho một người ... không ứng cử là Sơn Vương.
Không thể từ nan trước sự ủng hộ của mọi người, Sơn Vương tạm hoãn ý định trở về đất liền, bắt đầu chỉnh đốn công việc trên đảo, trong đó, hai trong những việc làm đầu tiên của ông là: Cải táng hài cốt chí sĩ Nguyễn An Ninh, đã qua đời ngày 14.8.1943.
Cho rằng, tên Côn Nôn tiêu biểu cho một giai đoạn bi thương của dân tộc, ông đề nghị và được mọi người chấp thuận đặt tên Côn Đảo là “Quần đảo An Ninh”, lấy tên nhà cách mạng thần tượng của chính ông và nhiều người.
Tuy nhiên, chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân Côn Đảo của Sơn Vương không kéo dài được lâu. Trung tuần tháng 4.1946, một thời gian sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, thực dân Pháp nắm lại quyền hành và tái chiếm Côn Đảo. Như vậy, sau hơn 4 tháng làm “chúa đảo”, như tên quen thuộc và không chính thức mà nhiều người dùng để gọi ông, Sơn Vương trở về với thân phận một người tù.
Một trại giam ở Côn Đảo thời Pháp thuộc |
t.l |
Ông thụ án từ ấy đến năm 1968, khi giai đoạn 1 của nền Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam vừa bắt đầu không lâu, ông được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trả tự do, sau 35 năm trải qua nhiều nhà tù khác nhau, trong đó nhà tù Côn Đảo là lâu dài nhất. Trong những năm còn lại, Sơn Vương viết hồi ức về khoảng thời gian tù tội lâu dài và nhiều văn phẩm khác trước khi qua đời năm 1987, thọ 78 tuổi.
Bình luận (0)