Chỉ tới khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương nam thì các thôn ấp vùng này mới chính thức trở thành những đơn vị hành chính thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn.
Từ nội thành Sài Gòn về quê tôi xưa chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Có ai đó đã nói rằng: “Đường là lối con người đi mãi mà thành”. Thế nhưng con đường liên tỉnh về quê tôi thì khác; để có được những con đường thuở sơ khai, tổ tiên chúng tôi phải trầm mình dưới sình lầy cần mẫn móc từng gộp đất để đắp độ thành bờ …
|
Biết bao nhiêu thập kỷ, con đường cứ sáng khô, chiều ngập. Triều lên, nước cường giăng trắng. Cá tôm băng qua từng khúc đường ngập giỡn đùa với ánh trăng. Từng nhịp cánh cò xao xác vỗ cùng tiếng cuốc đêm khắc khoải trộn cùng tiếng bìm bịp trầm chìm trong sóng vỗ ì ùng. Các cụ xưa kể: ”Có những đêm khuya, giữa không gian quạnh vắng, từng đàn cá sấu cắn đuôi nhau trườn lên mặt đường để kiếm mồi. Thi thoảng, một chúa sơn lâm lừng lững trên đường, lúc ngửa cổ giỡn đùa cùng ánh trăng trời tãi xuống, lúc thanh thản soi mình khi gặp bến cô liêu … Rồi đêm qua, khi trời sáng rỡ: con đường lại hiện ra như thần thoại, mang trên mình lớp phù sa mịn mỏng như bột bánh. Dấu chân thú rừng, lốt trườn của cá qua một đêm dài đã xóa đi dấu tích của con người. Nhưng những người dân cần mẫn lại chuyền tay nhau từng vốc đá vá đường. Dấu chân của người lại in lên, dập xóa tất cả những gì thú rừng để lại …”
Con đường buổi sơ khai vươn trên sình lầy như thế. Năm qua năm, đời nối đời, đường như chiếc đòn gánh oằn õa của bà mẹ tảo tần, đảm lược đỡ nâng một bên là những vạt lúa vàng ươm, một bên là màu xanh bất tận của rừng phòng hộ.
Người Pháp đô hộ, họ lập ra các kho, các cảng quan trọng dọc con sông Nhà Bè huyết mạch và con đường quê tôi cứ viền theo dòng sông trọng yếu từ biển chạy vào thành phố. Cũng từ đó, quê tôi trở thành nơi đầu sóng ngọn gió. Từ năm 1920, con đường này được mở mang thành chiến lược. Hàng loạt đồn bốt do địch dựng lên để khống chế: đồn Phú Mỹ, đồn Kho Muối, đồn Mương Chuối, bốt Bà Bướm …
Tuổi thơ chúng tôi, những buổi chân trần chạy trên lối sỏi đu theo tiếng leng keng của nhạc ngựa; những buổi nước duềnh móc con hà sình buộc dây tơ chuối thả ven bập dừa nước mang lên từng chú, từng chú bống dừa mụp mẫm, tiếng em gái reo vui trong tiếng sáo diều vi vút vọng về. Rồi anh em chúng tôi, đứa gái, đứa trai ì oạp lội sình lúc móc thòi lòi, lúc lượm những chú còng lửa lao xao…
Ôi! Mẹ tôi! Con quên làm sao những bát canh còng với rau tập tàng và cá bống dừa đi cùng rau đắng đất mẹ lui cui chiên nấu, mẹ múc cho ăn rồi dặn phần cho chú Tám, anh Tư…từ chiến khu xẹt qua hay ai đó lỡ đường! Tất cả, những tưởng chỉ mới ngày hôm qua thôi, mẹ còn đứng bên rặng trâm bầu tóc trắng gió đưa mà mắt đắm nhìn về Rừng Sác. Những tưởng mới hôm kia đây, mẹ kể cho đàn con chúng tôi nghe sự tích Nhà Bè nước chảy chia đôi và những dòng xoáy phù sa trác tuyệt của dòng Lòng Tàu - Nhà Bè –Soài Rạp! Những tưởng mới hôm qua thôi, những câu chuyện ba tôi đêm đêm phập phù đèn chai, xuồng lá giữa mênh mông sóng duyềnh nơi ngã ba Đồng Tranh hi vọng câu lên những con cá chìa vôi mình dày, vàng óng –đặc sản có một không hai của vùng nước hòa trộn của 3 dòng lợ -mặn-ngọt thành chè hai chỉ quê tôi mới rõ nét nhất!...
|
Ngày tách huyện Nhà Bè để hình thành quận 7, ông Năm Sáng (Bí thư Huyện ủy Từ Văn Sáng) thở dài: “Cả huyện chúng tôi chỉ còn 7 cây số đường tráng dầu. Cái sự vượt khó bắt đầu!...”. Còn Chủ tịch huyện ông Hai Đường hạ quyết tâm rất…Nhà Bè rằng: “Huyện ta phấn đấu trong thời gian ngắn nhất để Nhà ra nhà, Bè ra bè!”.
Vâng! Từ 7 cây số đường nhựa cho đến nay những cung đường mịn mượt thênh thang mở ra có nơi tới cả chục làn xe tít tắp và lời của ông Hai Đường đã thành hiện thực từ rất lâu. Với một vùng đất chỉ là phèn, thu nhập 1 vụ lúa với những vạt dừa nước kẹp vỉ lợp nhà lắt lay…vụt biến thành công viên, cầu đường, siêu thị, chung cư, biệt thự, văn phòng, nhà băng…với giá trị vài chục triệu đồng/m2 thì trước bàn thờ tổ tiên tôi cũng khấn rằng: Má, Tía, Ông, Bà…ơi, sự lột xác, đổi đời này cho vùng đất phía Nam thật là xứng đáng!
|
Bình luận (0)