Một người 'Sài Gòn'

07/12/2019 09:00 GMT+7

Anh hơn tôi cả chục tuổi, không cùng thế hệ nên ít khi chơi cùng. Anh đã định cư hẳn ở Sài Gòn . Nhưng ở quê, nhà cha mẹ anh gần nhà tôi nên mỗi dịp anh về thăm nhà khi lễ tết hay tế tổ, chúng tôi vẫn thường ngồi với nhau để chuyện trò, thăm hỏi, cùng uống với nhau ly rượu và hàn huyên bao chuyện trên đời.

Làng tôi vốn là một miền quê nghèo xứ Nghệ. Nơi có cội nguồn văn hóa lâu đời. Nơi thuở xưa chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng cũng là nơi có được những đức tính tốt đẹp như cần cù, thông minh, hiếu học, “Nơi con biết thương cha mẹ oằn lưng khó nhọc/ Nên yêu chữ thánh hiền từ lúc mới hoài thai”. Ngõ chúng tôi có ba nhà thì cả ba đều có con út là trai. Học xong đại học, mỗi người mỗi ngả. Anh học ĐH Công đoàn rồi vào nam lập nghiệp. Thằng bạn nhà trên thì học Trường Lao động xã hội và bám trụ lại Hà Nội. Còn tôi học xong ĐH Sư phạm thì về quê dạy học.
Anh lấy vợ cùng quê, một cô giáo xinh đẹp. Vợ chồng dắt díu nhau, cùng chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai của mình. Sài Gòn rộng mở, hào phóng đón nhận anh như hàng vạn người tứ xứ khác đến mưu sinh. Dường như tính cách con người xứ Nghệ ở anh phần nào đó thích hợp với mảnh đất phương nam đầy nắng gió này. Và ngược lại, phong cách và nhịp sống người Nam bộ đã phần nào bổ sung những khiếm khuyết cho anh. Anh đã hòa nhập rất nhanh, an cư và lạc nghiệp. Dù anh và vợ vẫn giữ giọng nói quê nhà nhưng hai đứa con thì do hít thở bầu không khí nơi ấy từ thuở lọt lòng nên giọng nói đặc sệt người Sài Gòn.
Là lãnh đạo một công ty xây dựng, công việc đòi hỏi anh xê dịch nhiều. Nhưng anh tâm sự rằng Sài Gòn vẫn là mảnh đất dễ sống và đáng sống nhất với anh cả về vật chất lẫn tinh thần. Anh đã từng ở Cần Thơ để gần gũi với anh rể và chị gái là bộ đội đóng quân và định cư trong này. Anh đã từng sống ở Buôn Ma Thuột khi công ty mở rộng địa bàn. Có bận anh đã bỏ lại tất cả, đưa vợ con ra Hà Nội sống mấy năm. Thế nhưng, cuối cùng lại trở về Sài Gòn. Anh cũng đã có đất cha mẹ chia cho ở quê nhà xứ Nghệ. (Quê tôi, trong nhà có mấy đứa con trai thì phải cố gắng kiếm bấy nhiêu mảnh đất cho con ở riêng khi trưởng thành, dựng vợ gả chồng). Cách đây mấy năm, anh đã bán mảnh đất ấy đi như một sự khẳng định, cả phần đời còn lại của mình sẽ sống ở Sài Gòn. Cội nguồn sinh dưỡng quê hương chỉ là nơi để anh đưa con về trong những dịp trọng đại hay đi công tác ghé qua thăm cha mẹ già chứ không còn là nơi anh bám trụ mưu sinh hay trở về khi mệt mỏi.
Thấm thoắt, anh đã rời quê định cư ở Sài Gòn được hơn hai mươi năm dù có bao phen tao loạn. Con gái anh vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp từ đây. Con trai anh cũng đã học trường chuyên. Anh đã thực thụ thành người Sài Gòn, từ cách ăn mặc, nói năng đến giao tiếp: xởi lởi với mọi người; bộc trực trong cách nghĩ, cách nói chuyện; hào hiệp, phóng khoáng trong cách cư xử và các mối quan hệ. Đặc biệt tôi thích cách anh nhậu lai rai đến lúc sương sương thì càng dễ dàng cởi mở tâm sự.
Sài Gòn nghĩa tình không chỉ cho anh một công việc mà cả một sự nghiệp.
Sài Gòn yêu thương không chỉ cho anh một gia đình mà cả một mái ấm hạnh phúc.
Sài Gòn hào phóng không chỉ cho anh một chốn định cư mà cả một quê hương.
Chả trách, anh yêu và gắn bó với Sài Gòn đến thế. Khác với thằng bạn nhà trên, chật vật để có được một việc làm ổn định để nuôi vợ con, vất vả mới có được căn hộ để an cư. Khi chuyển khẩu ra Hà Nội, thấy nó lấn cấn bao điều mà thương. “Thương bạn bao điều khó nói/Bỏ nơi cắt rốn mà đi/Chỉ cần giọng quê không đổi/Ở đâu cũng được, thôi thì...”. Ở anh, tôi không thấy sự tiếc nuối nhiều như thế. Và đó là điều tôi mừng cho anh bởi suy cho cùng, mục đích cuộc sống là có được sự hạnh phúc và sự thoải mái trong tâm hồn. Và anh đã tìm thấy điều ấy trên mảnh đất Sài Gòn.
Ngày nay, chỉ hai giờ bay, chỉ một click chuột trên máy tính hay smartphone là có cả quê hương. Anh bảo có những vất vả nhất định nhưng anh cảm thấy mình thật hạnh phúc khi có hai miền đất để mà thương, mà nhớ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.