Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 4 : Tiến tới một nghề nông không-làm-gì-cả

13/03/2015 08:00 GMT+7

(TNO) Suốt 30 năm làm nông nghiệp tự nhiên trong trang trại của mình, ông Fukuoka đã đi ngược lại những gì mà số đông vẫn làm cũng như trường lớp sách vở đang dạy dỗ.

(TNO) Suốt 30 năm làm nông nghiệp tự nhiên trong trang trại của mình, ông Fukuoka đã đi ngược lại những gì mà số đông vẫn làm cũng như trường lớp sách vở đang dạy dỗ.

Ông không đặt câu hỏi làm thế này thì tốt hay làm thế kia thì tốt hơn, mà đặt câu hỏi không làm thế này thì tốt hay không làm thế kia thì tốt hơn, để cuối cùng rút ra kết luận chẳng có mấy thao tác nông nghiệp là cần thiết. Và tốt nhất là không làm gì cả. Không-làm-gì-cả, được hiểu là buông bỏ tất cả những hành vi trái với tự nhiên.
Vậy sự bận bịu của người nông dân ở khắp nơi trên thế giới xuất phát từ đâu ? Chúng ta thường mặc định làm nông là công việc cực nhọc đầu tắt mặt tối, dù khoa học kỹ thuật có phát triển tới đâu thì làm nông cũng không phải là công việc nhẹ nhàng. Nhưng ngày xưa không như thế, ngày xưa làm nông vốn là niềm vui sống. Một lần khi lau chùi cái miếu thờ nhỏ trong làng, ông Fukuoka ngạc nhiên thấy vài tấm bảng treo trên tường, khi chùi đi lớp bụi ông phát hiện hàng tá những bài thơ haiku. Đó là những bài thơ do dân làng sáng tác để dâng lên thần linh như một lễ vật, điều đó chứng tỏ người nông dân ở đây đã từng có bao nhiêu là thời gian nhàn rỗi để vui chơi, để sáng tạo nghệ thuật.
Theo ông, gốc rễ của sự bận bịu là ở chỗ, sự tham lam hoặc nóng ruột của con người muốn có sản lượng cao hơn, nhanh hơn, nên đã dùng kỹ thuật để can thiệp vào đất đai và cây trồng, khiến cho tự nhiên bị xáo trộn, mất cân bằng. Người ta lại tiếp tục dùng kỹ thuật để khắc phục sự xáo trộn mất cân bằng đó và sự mất cân bằng trở nên trầm trọng thêm. Từ đó, đất đai và cây cối phụ thuộc vào những kỹ thuật đó. Ông Fukuoka bảo, chỉ một chồi cây mới mọc của một cái cây ăn trái bị cắt bằng một cái kéo thôi, điều đó có thể mang lại sự rối loạn không thể nào đảo ngược được. Rằng khi cây cối sinh trưởng theo đúng hình dáng tự nhiên, cành của chúng sẽ vươn ra so le từ thân chính và những cái lá sẽ nhận được ánh sáng mặt trời một cách đồng đều; nếu như sự tự thích nghi này bị phá vỡ, những cành cây sẽ xung đột với nhau, nằm đè lên nhau và trở nên rối rắm, những chiếc lá sẽ héo úa ở những nơi ánh mặt trời không lọt tới, côn trùng phá hoại sẽ được dịp phát triển. Và nếu như cái cây đó không được tiếp tục cắt tỉa thì vào năm sau sẽ xuất hiện nhiều cành héo hơn và cái cây sẽ dần tàn lụi.
Một công ty Hàn Quốc đang khảo sát một số cây trái ở Đồng Nai, hướng tới việc hợp tác xuất khẩu - Ảnh: Lê Lâm 
Con người với sự can thiệp của mình vào tự nhiên, chắc chắn đã làm điều gì đó sai trái. Sự sai trái để lại một hậu quả bất lợi. Người ta khắc phục sự bất lợi đó bằng một hành vi can thiệp khác. Nếu sự can thiệp này khắc phục được sự bất lợi thì lập tức coi là một thành tựu, một tiến bộ. Nhưng sự can thiệp tiếp theo đó ngoài cái gọi là thành tựu cũng sẽ gây ra thêm một bất lợi nào đó. Lại tiếp tục can thiệp để khắc phục. Những bất lợi chồng chất lên nhau, những biện pháp can thiệp cũng chồng chất lên nhau, con người ngày càng trở nên bận rộn, còn tự nhiên thì không còn là tự nhiên nữa, cây cối đất đai biến dạng phải phụ thuộc vào sự chăm sóc nhân tạo của con người.
Ông Fukuoka cho rằng lập luận trên không chỉ áp dụng cho nghề nông mà còn cho những lĩnh vực khác của đời sống con người. Chẳng hạn như bác sĩ và thuốc men trở thành cần thiết khi người ta tạo ra một môi trường bệnh hoạn, trong khi môi trường sống tự nhiên của con người vốn không phải thế. Ông còn đi xa hơn, khi cho rằng việc dạy nhạc cho trẻ em cũng không cần thiết như việc cắt tỉa vườn cây, vì tai của đứa trẻ sẽ tự nắm bắt được âm nhạc, đó là tiếng róc rách của dòng suối, tiếng ộp oạp của cóc nhái ở bờ sông, tiếng rì rào của lá rừng…, tất cả những âm thanh tự nhiên ấy đều là âm nhạc đích thực. Nhưng khi đủ loại tiếng ồn nhiễu loạn của cuộc sống phi tự nhiên làm rối loạn tai nghe thì khả năng thưởng thức âm nhạc thuần khiết của đứa trẻ sẽ bị thoái hóa, nếu cứ tiếp tục như thế, đứa trẻ sẽ không thể nào nghe ra tiếng gọi của một con chim hay tiếng gió thổi như một bài ca được nữa. Đó là lý do tại sao việc học nhạc được nghĩ là có lợi cho sự phát triển của đứa trẻ. “Đứa trẻ được nuôi dạy với đôi tai thuần khiết, trong trẻo, có thể sẽ không chơi được những giai điệu thông thường trên violin hay piano, nhưng tôi không nghĩ điều này có liên quan gì tới khả năng nghe được âm nhạc đích thực hay khả năng ca hát. Chỉ khi trái tim đầy ắp giai điệu thì đứa trẻ mới được gọi là có thiên bẩm về âm nhạc”, ông viết.
Có thể nhiều người cảm thấy không quen khi ông Fukuoka bảo ông đặc biệt không thích từ “làm việc”. Ông cho rằng con người là động vật duy nhất phải làm việc và ông nghĩ đó là điều nực cười nhất trên thế gian này. Sẽ là tốt biết bao nhiêu khi sống một cuộc sống dễ dàng, thoải mái với nhiều thời gian rảnh rỗi để vui chơi hay làm những gì mình thích. Trong một cuộc sống như thế, lao động không phải là lao động như người ta thường nghĩ, mà đơn giản chỉ là làm những gì cần làm. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.