Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 7: 'Tâm nhất tánh cảnh'

17/03/2015 16:41 GMT+7

(TNO) Theo ông Mansanobu Fukuoka, những kẻ sống an bình trong một thế giới không có những mâu thuẫn và phân biệt là đám trẻ nhỏ. Chúng cảm nhận sáng và tối, mạnh và yếu, nhưng không hề phán xét.

(TNO) Theo ông Mansanobu Fukuoka, những kẻ sống an bình trong một thế giới không có những mâu thuẫn và phân biệt là đám trẻ nhỏ. Chúng cảm nhận sáng và tối, mạnh và yếu, nhưng không hề phán xét.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 1Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Chúng hồn nhiên vui vẻ cho tới khi… đi nhà trẻ. Ở đó chúng bị buộc phải tuân theo những chuẩn mực của người lớn, người lớn dạy cho chúng phải yêu cái này phải ghét cái kia, chúng phải theo cái mà người lớn bảo theo, tránh cái mà người lớn bảo tránh. “Kể từ thời điểm bước chân vào nhà trẻ, nỗi sầu khổ của con người bắt đầu”, ông Fukuoka viết.
Các nhà giáo dục, các bậc làm cha mẹ và những người lớn nói chung chớ vội “ném đá” vào câu nói đó của ông Fukuoka. Hai ngàn năm trước, ông Trang Tử cũng đã bảo phải “tuyệt thánh khí trí” (đoạn tuyệt với thánh nhân, bỏ tri thức) thì thiên hạ mới thái bình. Theo Trang Tử thì người dân vốn sống tự nhiên cùng ruộng vườn chim muông cây cỏ, “dệt mà mặc, cày mà ăn”, họ “ăn no vỗ bụng đi chơi”, sống với nhau hồn nhiên hòa ái mà không hề quan tâm đó là hồn nhiên hòa ái, chẳng biết quân tử là gì tiểu nhân là gì, chẳng biết nhân nghĩa lễ trí tín là gì. Đó là đạo đức tự nhiên thường hằng nên không ai nghĩ là đạo đức. Người ta gọi đó là xã hội hồng hoang mông muội, nhưng hồng hoang mông muội có gì là không tốt? Ông Trang Tử bảo chính những kẻ gọi là thánh nhân “cặm cụi làm nhân, tập tễnh làm nghĩa” mà thiên hạ sinh ngờ vực lẫn nhau, “lan man làm nhạc, khúm núm làm lễ” mà con người cắt chia, mâu thuẫn. Muốn đề cao nhân nghĩa thì phải phế bỏ cái đạo đức tự nhiên thường hằng kia, đạo đức mà không phế thì lấy đâu ra nhân nghĩa mà đề cao? Muốn vinh danh quân tử thì phải dung túng tiểu nhân hoặc tạo ra hay quy kết bừa bãi người khác là tiểu nhân, không có tiểu nhân thì lấy đâu ra quân tử mà vinh danh?
Tất nhiên ông Fukuoka không bài bác tri thức, ông chỉ bài bác các thứ tri thức ngụy tạo, tri thức lấy bộ phận suy ra tổng thể, lấy hữu hạn áp đặt cho vô cùng. Trang Tử cũng nói, đời người có hạn mà cái biết thì vô bờ, lấy cái có hạn đuổi theo cái vô bờ thì nguy, đã biết nguy mà còn đuổi theo thì nguy hơn(*). Những thứ tri thức đó khi bị dính mắc trong đầu óc thì biến thành thiên kiến, Đức Phật gọi là sự mê chấp. Mê chấp sinh ra tham sân si, là gốc rễ của phiền não.
Khi viết về Lục tổ thiền tông Huệ Năng, Hòa thượng Thích Trí Quang đã phân tích một cách dễ hiểu sự “Biết” (tri thức) của con người. Ông bảo Thiền tông phân sự “Biết” theo hai cấp độ: đệ nhất phong đầu (nghĩa là ngọn núi thứ nhất) và đệ nhị phong đầu (ngọn núi thứ hai). Đệ nhất phong đầu là tự tánh, tức là sự vật-hiện tượng được biết đúng như chân tướng của nó, còn đệ nhị phong đầu là sự vật-hiện tượng được biết nhưng có thêm bớt, nối đuôi hoặc cắt cụt do yêu ghét, do bị chi phối bởi những thiên kiến trong đầu óc con người.
Nghe qua thì đơn giản, vì lẽ ra khi nhìn sự vật đầu tiên phải là đệ nhất phong đầu, sau đó mới biến dạng thành đệ nhị phong đầu mới phải chứ. Nhưng khốn nổi con người càng lớn lên thì đầu óc tâm trí càng bị bồi đắp biết bao nhiêu thiên kiến, đó là những tri thức được dạy dỗ, những yêu ghét chất chồng, những thị phi được tích lũy, tất cả những cái đó khiến cho con người khi nhìn ngọn núi thứ nhất lập tức nó biến thành ngọn núi thứ hai.
Mục đích của Thiền là “tâm nhất tánh cảnh”, nghĩa là đồng nhất đối tượng được biết với bản thân đối tượng, là nhìn cho ra ngọn núi thứ nhất. “Kiến tánh thành Phật”, và kiến tánh chẳng qua là đưa cái biết về ngọn núi thứ nhất mà thôi. Đơn giản như vậy nhưng nhân loại đã có không biết bao nhiêu tỉ lượt người tu hành thiền định nhưng cuối cùng cũng có mấy ai đạt được cảnh giới “tâm nhất tánh cảnh”, có mấy ai nhìn ra được ngọn núi thứ nhất đâu.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 2
Có thể nói ông Fukuoka mấy chục năm đã hành thiền trong nông nghiệp. Đọc sách của ông, ta có thể hiểu thêm những gì mà Lục tổ Huệ Năng viết trong Pháp bảo đàn kinh. Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, ấy là khi mọi chúng sanh con nào trở về với vị trí khiêm nhường của con ấy. Con ếch yên phận ếch đó chính là Phật, ếch mà muốn làm bò ắt sẽ trở thành ma.
Cách làm, cách ăn ở của ông Fukuoka gợi ra một con đường hoàn nguyên của loài người, con đường đó có thể giúp ta “kiến tánh” nhìn ra ngọn núi thứ nhất. Nhưng nếu bạn không trở về với tự nhiên, trở về theo cách riêng của bạn, thì cuốn sách của ông Fukuoa cũng chỉ là một thứ hý luận mà thôi.
Để kết thúc loạt bài “hý luận” này, mời bạn xem một đoạn video “Cuộc sống vốn dễ dàng” được TEDvn.com dịch và đăng tải trên YouTube(**). Đây là câu chuyện của anh nông dân người Thái Jon Jandai đã bỏ thành phố về quê chọn một cuộc sống dễ dàng, vui vẻ và hạnh phúc. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý một cuộc sống như vậy, nhưng đó cũng là một trong những cách hướng tới “tâm nhất tánh cảnh” để hoàn nguyên con người, dù anh nông dân này không nói gì về thiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.