Nhưng làm sao vươn tới hạnh phúc, làm sao để có hạnh phúc “trên diện rộng” như vậy? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng hạnh phúc luôn là một khát vọng lớn, nhiều khi là lớn nhất, của con người, chứ không hẳn giàu sang. Vì giàu sang chưa chắc đã có hạnh phúc.
Người dân vui chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM |
Nhật Thịnh |
Với một đất nước đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam ta, thì trong nhiều năm tháng chiến tranh, hạnh phúc là một khát vọng quá xa vời. Tôi còn nhớ, năm 1972, cách đây hơn 50 năm, tôi đang sống ở trong rừng chiến khu, đêm đêm ngày ngày thường phải đội bom Mỹ. Cứ ban đêm, chúng tôi lại phải xuống hầm. Mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra trong hầm, dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn tự chế từ vỏ đạn hay vỏ chai đựng thuốc. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đã viết bài thơ Thử nói về hạnh phúc. Đây là bài thơ dài đầu tiên trong đời làm thơ của tôi, được viết cả ban ngày lẫn ban đêm, trên mặt đất và dưới hầm tránh bom, dưới ánh sáng ban ngày lẫn ánh đèn dầu leo lét ban đêm dưới hầm. Tôi đã viết bài thơ dài hơn 120 câu thơ ấy bằng tất cả những xúc cảm, những nghĩ suy, những khao khát của mình về hạnh phúc. Bài thơ mang cái đầu đề rất khiêm nhượng “Thử nói về hạnh phúc”, vì trong hoàn cảnh ấy, quả thật, làm sao có hạnh phúc?
“nửa đêm tôi choàng dậy
tiếng bom hú rất gần
ba đợt B52
cái hầm của tôi ngày không nắng mặt trời
đêm không ánh sao
những mùa trăng lướt qua-xa cách
tôi thắp đèn-bốn bên là đất
mỗi lúc bom rung
đất rơi đầy mặt
đất rơi đầy giấc mơ
những giấc mơ chập chờn
bao giờ cũng có khoảng trời xanh vòi vọi
lung linh gương mặt người thương”
Dù gương mặt người thương có lung linh trong giấc mơ chăng nữa, thì cũng không thể có hạnh phúc trong cuộc chiến tranh khốc liệt như vậy.
Trước khi xuống chiến trường đồng bằng, tôi đã gửi được bài thơ Thử nói về hạnh phúc ra Hà Nội, và bạn tôi, nhà phê bình Định Nguyễn rất yêu bài thơ này, anh đã mang nó tới cho nhà thơ Chế Lan Viên. Vào tháng 3.1974, khi Tạp chí văn học Tác phẩm mới lần đầu tiên in 13 bài thơ của tôi trong tập bản thảo Dấu chân qua trảng cỏ, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết một “sa-pô” ngắn trước chùm thơ này:
Thơ Thanh Thảo (từ miền Nam gửi ra)
Giữa những ngày ác liệt nhất của năm 1972 rền tiếng bom giặc Mỹ, một anh bạn trẻ chuyển đến tôi một bài thơ của bạn anh ở chiến trường, nhờ đọc hơn là để đăng trên báo. Bài thơ rất hay, nhưng mà đau xót quá. Thêm một tiếng đau riêng lúc ấy, thì có ích gì? Tôi giữ bài thơ và chờ đợi.
Tuần trước, từ chiến trường đến với chúng tôi tác phẩm và thư Lê Điệp. Thư viết: “Ở đây em có gặp một anh bạn, anh này ở bộ đội và cũng đang tập viết như em. Em có được đọc một số thơ của anh và em đề nghị anh ấy gửi về Hội để các anh đọc. Anh Thanh Thảo…”.
Tôi nhớ ra rồi. Thanh Thảo là tác giả bài thơ hai năm trước. Nhưng lần này không phải một bài mà là một tập. Và cái riêng anh đã rắn rỏi lên trong cuộc chiến đấu chung. Có thể nói đây là một tập thơ làm toàn Tổ thơ đều phấn khởi. Tên tập thơ là Dấu chân qua trảng cỏ. Chúng tôi xin đăng 13 bài trong mấy chục bài của tập thơ đầu tay ấy. Và cũng xin nói là: Đẹp thay tình bạn! Chính nhờ nó mà bài thơ trước kia và tập thơ này đến được chúng tôi; còn tác giả, hoặc anh rụt rè, hoặc anh quá bận, chưa tự tay mình chăm chút được thơ mình.
Và số phận của bài thơ Thử nói về hạnh phúc của tôi, dù long đong, chưa được in báo, in tạp chí, nhưng không hư mất. Ngày đó, người đọc miền Bắc yêu thơ lạ lắm. Bài thơ “tưởng tượng” về hạnh phúc của tôi, không hiểu bằng những con đường chép tay lan truyền nào, mà đã tới tay những người lính sắp vào chiến trường miền Nam, ngay trong năm 1972 của “Mùa hè đỏ lửa” ở chiến trường. Sau hòa bình nhiều năm, tôi đã được gặp hai người Việt Cộng, một người là lính tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị, một người là tù nhân Việt Cộng ở nhà ngục Côn Đảo. Hai người bạn chưa quen ấy đã tìm và đọc cho tôi nghe bài thơ Thử nói về hạnh phúc của tôi mà họ đã thuộc lòng, không sai một chữ. Tôi hết sức cảm động và cảm thấy thật hạnh phúc, nhưng đó là cái hạnh phúc khi người làm thơ được người đọc yêu thơ mình, chứ cũng chưa phải là hạnh phúc như bài thơ muốn vươn tới.
Bây giờ trên thế giới có nhiều thước đo về nhiều lĩnh vực cho các quốc gia, trong đó có thước đo về hạnh phúc. Việt Nam là quốc gia được xếp hạng trên trung bình về chỉ số hạnh phúc. Với một đất nước từng có quá nhiều nỗi đau như Việt Nam, thì đó là một sự cổ vũ, một niềm vui, một hướng vươn lên để thành một quốc gia hạnh phúc.
Nhưng con đường ấy thật không dễ dàng. Vì chỉ số hạnh phúc tính đến từng người dân, từng gia đình trong quốc gia. Nó không được đo bằng GDP quốc gia, mà bằng hạnh phúc của quốc dân, của mỗi người dân. Công việc điều tra xã hội học ở nước ta chưa thật phát triển, nên tính chỉ số hạnh phúc cũng mới là chuyện “áng chừng”, và dựa vào số đo của các tổ chức quốc tế. Điều đó phản ánh một thực tế, hạnh phúc luôn là niềm khao khát của mọi gia đình, mọi người dân, nhưng không hề dễ để có được. Một quốc gia nghèo vẫn có thể có hạnh phúc, có thể được xếp hạng cao trong bảng chỉ số hạnh phúc, nhưng đó là cái nghèo “rất dễ chịu”, không kèm theo giai cấp bóc lột, không có hố sâu ngăn cách giàu - nghèo, người dân được sống tự do, được tạo điều kiện để cuộc sống của họ thoải mái, họ sống có đức tin, có niềm vui sống, và tránh mọi sự chèn ép. Nghĩa là quốc gia có hạnh phúc phải có sự minh bạch, công bằng trong cuộc sống, có sự bình đẳng, bình quyền về giới tính, có tình yêu thương và lòng nhân ái trong cộng đồng. Điều đó, Việt Nam đang phấn đấu, và nếu kiên trì với mục đích muốn cho người dân có hạnh phúc, thì nhất định sẽ làm được. Dĩ nhiên, tiêu chí đầu tiên cho một quốc gia hạnh phúc là quốc gia ấy phải được hòa bình, phải được độc lập, và người dân phải được sống tự do. Slogan “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của Việt Nam là tiêu chí để quốc gia phấn đấu, nhưng phải là mục đích cuối cùng mà đất nước Việt Nam phải có được. Hãy nhớ lại lời Bác Hồ thổ lộ vào năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Hạnh phúc cho nhân dân sẽ có nếu chúng ta thực hiện được niềm ham muốn tột bậc ấy của Bác Hồ. Hạnh phúc, dễ mà khó, nhưng khó vẫn có thể thành hiện thực ở một quốc gia, nếu những tiêu chí để có hạnh phúc thể hiện rõ ràng, minh bạch và giản dị đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh: Độc lập - Tự do - Cơm ăn áo mặc - Được học hành. Theo nghĩa rộng rãi và chuẩn mực nhất.
Bình luận (0)