Chiều 30.10, chúng tôi trở lại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để thăm những chiến binh nhí đang điều trị ung thư. Ở hành lang bệnh viện, chúng tôi chỉ nghe tiếng khóc nỉ non của các em bé và lời động viên của cha mẹ.
Hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ phải gồng mình chịu đựng nỗi đau, những cuộc chiến không cân sức khiến lòng tôi nghẹn lại. Qua những câu chuyện, chúng tôi nhận ra rằng, mỗi ngày các em được sống là một món quà vô giá mà gia đình nào cũng trân trọng.
Tại khoa Ung bướu Huyết học, chúng tôi gặp một đứa trẻ có đôi mắt rất buồn và một người đàn ông trung niên với nước da ngăm, khuôn mặt lờ đờ thiếu ngủ và nói tiếng Kinh với giọng ngọng nghịu. Đó là anh A Dắt Ê Sau (28 tuổi, dân tộc Cill) và con gái Pang Kao Na Hum (3 tuổi, ở xã Tu Tra, H.Đơn Dương, Lâm Đồng).
"Vì tôi, con mới bị bệnh ung thư"
Ngày 24.6, Na Hum có biểu hiện chán ăn, người lừ đừ và nước da xanh xao. Linh tính chuyện chẳng lành, vợ chồng anh Sau mang con đi Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng để kiểm tra. Ở đây, bác sĩ báo Na Hum thiếu máu nặng rồi cho chuyển tuyến gấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để chữa trị.
Sau khi xét nghiệm máu, chọc tủy đồ; 1 tuần sau bác sĩ gọi anh Sau lên thông báo kết quả. Bác sĩ chẩn đoán Na Hum bị bệnh bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp (một dạng ung thư máu).
Nghe tin con bị bệnh nan y, anh Sau quỵ ngã, ớn lạnh và cảm giác như cả bầu trời sụp đổ. Anh nghẹn ngào: "Tôi không còn nghĩ được gì hết, tôi bất lực và thấy có lỗi dữ lắm".
Chúng tôi hỏi: "Vì sao anh lại thấy có lỗi". Anh Sau chua chát: "Vì tôi đã làm cho bé bị bệnh. Tôi làm cha, làm mẹ, sinh ra con mà để con mình phải mắc bệnh quái ác này, để con phải chịu đau đớn như vậy. Tôi thấy mình có lỗi với con".
Bệnh ung thư máu khiến Na Hum gầy gò và xanh xao
ẢNH: UYỂN NHI
Tuy vậy, động lực lớn nhất khiến anh cùng cố gắng bám trụ để chiến đấu với bệnh tật là Na Hum. Anh nói Na Hum là cả thế giới đối với anh. "Mình phải theo phác đồ điều trị, phải chiến đấu với con đến cùng", anh Sau nói với giọng đứt quãng.
Bệnh ung thư quái ác khiến Na Hum phải giành giật với sự sống từng ngày. Để ý thấy, trên cơ thể em những vết thâm tím và sẹo hằn lên, đó là dấu tích của vỡ ven khi tiêm.
Có những ngày, Na Hum quằn quại trong đau đớn do không chịu nổi cơn hành hạ từ lượng hóa chất ngấm vào cơ thể. Chất chống ung thư khiến em nôn ói liên tục; miệng, lưỡi lở loét và không thể đứng được. Na Hum chán ăn, tính tình cũng thay đổi hoàn toàn khi em càng trở nên cáu gắt.
Anh Sau nói Na Hum sợ nhất là khi tiêm. Anh kể, điều dưỡng mới gọi tên, em đã khóc ngằn ngặt và giãy dụa. Mới 3 tuổi, Na Hum vẫn đang tập nói, mọi câu em nói đều chữa sỏi nhưng lúc đau đớn, em lại nói rõ ràng và rành mạch: "Ba ơi, con đau quá, mình đi về nhà đi".
Những lần như vậy, anh Sau phải cắn răng chịu đựng và cố gắng mạnh mẽ trước mặt con. "Tôi xót xa, buồn dữ lắm. Chỉ biết phải làm thế nào xoay xở để cứu con khỏi bệnh tật này", anh Sau đắng nghẹn.
Hơn 4 tháng ở bệnh viện cùng con, anh Sau vẫn nhớ như in lần Na Hum vào toa hóa chất đầu tiên khiến tóc em rụng hết. Anh kể, lúc đó Na Hum đang chơi búp bê, con lấy lược chải lên đầu búp bê rồi chải lên đầu mình thì thấy không còn tóc. Em thủ thỉ: "Ba ơi, tóc con đâu rồi?". Lúc này, anh Sau chỉ biết im lặng, cố đưa ánh mắt ra cửa sổ để tránh ánh nhìn của con; nhưng trong tim anh đã tan vỡ.
Sau đó, Na Hum tự mình đi soi gương rồi khóc nghẹn: "Ba ơi tóc con đâu rồi?". Nghe lời thủ thỉ của con, anh thấy đau như đứt từng khúc ruột nhưng vẫn an ủi: "Ngoan ngoan, có ba đây rồi".
Chúng tôi được sự đồng ý của anh Sau trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình anh vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ anh A Dắt Ê Sau (ba của cháu Pang Kao Na Hum) qua số điện thoại 0379209866.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định.
Nội dung ghi: Giúp đỡ cháu PANG KAO NA HUM; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình cháu trong thời gian sớm nhất.
"Xin cứu con tôi với"
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi, cuộc sống quanh quẩn với nương rẫy, nhưng cái nghèo vẫn bám riết gia đình anh Sau. Năm 2020, anh kết hôn với một cô gái trong bản. Dù có với nhau 2 mặt con nhưng vợ chồng anh Sau vẫn chưa cất nổi một mái nhà để ở mà ở chung với cha mẹ.
Vợ chồng anh ở nhà làm rẫy và làm mướn cho người ta, mỗi năm thu hoạch được 1 vụ nên thu nhập bấp bênh. Nếu mùa vụ được giá gia đình anh lãi 10 - 20 triệu đồng/năm, còn mùa màng thất bát thì lỗ.
Dù có khó khăn, nhưng vợ chồng anh vẫn cố xoay xở cho Na Hum đi bệnh viện. “Lúc đầu, tôi vay mượn họ hàng được 10 triệu đồng để đưa con lên thành phố điều trị. Nhưng sau 2 toa thuốc cùng các xét nghiệm và chọc tủy đồ, chi phí chạm ngưỡng 45 triệu, buộc vợ tôi phải về quê vay thêm. Bây giờ, vợ chồng tôi cố gắng vay mượn từng ngày để chữa bệnh cho con”, anh Sau thở dài buồn bã.
Từ ngày cùng con lên TP.HCM, anh Sau "đóng đô" ở bệnh viện, còn vợ anh về nhà làm cật lực làm rẫy để có tiền cho Na Hum chữa trị ung thư và nuôi đứa con trai lớn (6 tuổi) ăn học.
Anh Sau quyết sẽ không bao giờ bỏ cuộc
ẢNH: UYỂN NHI
Chia sẻ về mong ước của mình, anh Sau xúc động: "Tôi chỉ mong con hết bệnh, mạnh khỏe. Dù khó khăn thế nào tôi cũng chịu".
Hiện, Na Hum vừa kết thúc toa hóa chất thứ 2. Bác sĩ nói, nếu sức khỏe ổn định, sau 4 toa hóa chất chống ung thư, Na Hum sẽ được chuyển qua giai đoạn duy trì. Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Sau cứ khẩn cầu: "Nhờ cô cứu con tôi với, giúp con bé vượt qua giai đoạn khó khăn này. Gia đình tôi không có điều kiện".
Buổi chiều hôm đó, chúng tôi về lúc 17 giờ, thành phố bước vào giờ tan tầm, cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi. Nhưng câu chuyện của gia đình anh Sau vọng lại trong tôi. Chúng tôi nhận ra rằng, có được sự bình thường trong cuộc sống là điều vô cùng quý báu.
Bình luận (0)