Đường phố TP.HCM hằng ngày chật kín xe cộ, nhưng dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 lại thưa thớt, thông thoáng. Người người tranh thủ về quê, đi chơi xa. Thế nhưng ở những căn phòng điều trị ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP.Thủ Đức) lại đông đúc bệnh nhân.
Đối với các bệnh nhi và người thân của các em, không có sự khác biệt giữa đêm và ngày, giữa sáng và tối, giữa ngày thường và ngày lễ. Bởi lúc nào các em cũng phải vật lộn với những cơn đau giằng xé và không lúc nào nước mắt của người thân các em ngừng rơi.
"Tôi không muốn con phải mất đi bộ phận nào trên cơ thể"
Ở phòng hóa trị 4 (khoa Nội 3), chị Lê Thị Bích Thảo, 30 tuổi, mẹ của Huỳnh Thảo Nhi (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang vệ sinh mắt phải bị ung thư cho Nhi, còn Nhi không ngừng kêu thét thảm thiết vì nỗi đau hành hạ. Những tiếng khóc thét xé lòng của đứa trẻ vô tội, khiến ai chứng kiến cảnh đó cũng không cầm nổi nước mắt.
Ấn tượng với chúng tôi là Nhi có khuôn mặt sáng và dễ thương. Nhưng đáng tiếc một bên mắt của em bị trũng sâu, chỉ còn lớp trắng đục vì ung thư. Thấy chúng tôi đến thăm, Nhi cố ngước đôi mắt lên nhìn, ngay lập tức cô bé lại khóc thét, "bắt đền" vì một mắt không thấy gì cả... Mới 1 tuổi, nhưng Nhi đã có thời gian 8 tháng điều trị ung thư mắt.
Cũng như bao đứa trẻ khác, khi sinh ra, Nhi bụ bẫm, đáng yêu, ăn ngủ rất ngoan. Lúc 4 tháng tuổi, người nhà thấy mắt phải của con có vùng bị trắng đục bất thường ở đồng tử nên đưa đến Bệnh viện Mắt TP.HCM kiểm tra. Qua thăm khám, bác sĩ xác định Nhi bị ung thư võng mạc giai đoạn 1. Sau đó, bác sĩ đưa ra quyết định cắt bỏ nhãn cầu để ngăn chặn sự tiến triển của khối u lên não nhằm bảo toàn tính mạng cho Nhi.
Vô thuốc chống ung thư khiến Nhi đau đớn
UYỂN NHI
Ngày nghe tin con mắc bệnh nan y, chị Thảo suy sụp, khóc nấc lên. Mọi thứ sau đó chị không còn nghe gì nữa. Chị mang con đến nhiều bệnh viện khác ở TP.HCM chữa trị với hy vọng có phép màu. Nhưng các bệnh viện đều có kết quả không thể giữ lại mắt.
“Tôi nhìn vào tấm phim chụp khối u mắt của con chỉ biết khóc òa, đau lòng lắm. Nhi là đứa con đầu lòng của vợ chồng tôi, tôi không muốn con phải mất đi bộ phận nào trên cơ thể”, chị Thảo ngậm ngùi.
Trước 1 ngày phẫu thuật mắt bị ung thư, Nhi còn bị phát hiện bệnh tăng áp phổi và thông liên nhĩ; bác sĩ lo ngại biến chứng nên không đồng ý phẫu thuật ngay. Chị Thảo sợ càng kéo dài thời gian thì con có chuyện không lành nên chị van xin bác sĩ cứu con. Ngày ký vào giấy cam kết, chị run lẩy bẩy như thể tận sâu thẳm trong trái tim mình có thứ gì đó vừa đổ sập xuống.
Ngồi ngoài phòng phẫu thuật, vợ chồng chị Thảo chỉ biết cầu nguyện, mong con tai qua nạn khỏi. Trong lòng chị nôn nóng sợ không thể gặp con lần cuối. Chị nhớ như in bầu trời hôm đó sầm sập những đám mây đen xám xịt sà xuống và đổ cơn mưa. Giống hệt như nỗi buồn đang len lỏi trong chị.
Hơn 2 giờ, ca phẫu thuật thành công. Sau đó, Nhi được chuyển xuống Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để truyền hóa chất. Những ngày đầu cùng con điều trị ở bệnh viện, chị Thảo mất ngủ triền miên. Mỗi lần nhìn con, chị sụp đổ, chỉ biết khóc và trách số phận con sao quá ngặt nghèo. Nhiều lần, đứng ở hành lang nhìn xuống sảnh bệnh viện, nghe tiếng còi xe cứu thương vẳng lại rồi im bặt, chị định ôm con nhảy xuống.
Nhưng được người thân động viên, chị Thảo lén lau nước mắt và thầm tự nhủ: “Tôi không thể cứ mãi dằn vặt, đau khổ mà phải ráng cứu con". Nói với tôi những điều này, đôi bàn tay gầy của chị bất giác run run, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má hốc hác.
Chúng tôi được sự đồng ý của chị Thảo trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Lê Thị Bích Thảo (mẹ của cháu Huỳnh Thảo Nhi) qua số điện thoại 0933020294.
Số tài khoản Lê Thị Bích Thảo 200784889 - Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB).
"Tôi đánh đổi gì cũng được, chỉ cần con khỏe mạnh"
Đưa tay quệt những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má, chốc chốc chị Thảo lại nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn của Nhi, khẽ chạm nhẹ vào đôi mắt không lành lặn của con. Suốt 8 tháng đi tìm ánh sáng cho con, chưa một lần chị Thảo được sống trong hạnh phúc vì luôn phải gồng mình che chở, chứng kiến con gái đau đớn trải qua những đợt điều trị, mổ mắt.
Hằng ngày phải "đánh vật" với hóa chất và đủ loại thuốc, Nhi bỏ bú nên trông em xanh xao, cân nặng còn chưa đầy 7 kg, tóc rụng hết. Còn chân, tay khẳng khiu của cô bé đầy rẫy những vết thâm tím, dấu tích của những lần đặt ống kim truyền thuốc.
Nuốt tiếng khóc vào trong, chị Thảo kể về ngày Nhi vào toa hóa chất thứ 2 khiến con thiếu bạch cầu, sốt gần 40 độ C, toàn thân run rẩy ớn lạnh. Con nằm miên man nửa tỉnh nửa mê, miệng lở hết. Nhi mệt mỏi và kiệt sức đến mức không thể khóc được nữa, chỉ biết nằm thoi thóp và rên khe khẽ.
Chị Thảo ôm lấy con nhưng người Nhi lại rũ xuống như một cái chổi đẫm nước, cả thân thể đỏ ửng lên, còn đôi môi của em tái xanh và co giật từng hồi… Chị Thảo đau đớn, sợ hãi chỉ biết lao ra ngoài vừa chạy, vừa hét gọi bác sĩ.
Nhiều đêm, khi con ngủ, chị Thảo ngồi đọc những thông tin dày đặc về cách điều trị, tỷ lệ sống của bệnh ung thư. Chị hy vọng trong hàng vạn bi thương đó, một ai vô hình cho chị thấy con đường sống, con đường giữ lại ánh sáng cho con. Chị đau đớn, khóc thầm và gập máy…
Từ ngày con đổ bệnh, nhiều đêm chị Thảo giật mình tỉnh dậy kiểm tra hơi thở của con vì nỗi sợ mất con. Nén nỗi đau đang đè nặng tâm can, chị Thảo buồn rầu: “Nhìn con, tôi lại nhớ ngày đón con ra đời lành lặn, giờ bị mất một con mắt. Nó còn mang nhiều chứng bệnh nên “bất đắc kỳ tử”, tôi sợ lắm và không nghĩ trước được điều gì..”.
Ước nguyện của chị là gì? Tôi hỏi. Chị Thảo nhìn vào mắt phải đã bị hư của Nhi rồi nghẹn ngào: "Nếu bây giờ có một ước nguyện, tôi chỉ mong con khỏe mạnh hết bệnh là được. Con còn nhỏ quá, cả cuộc đời tươi đẹp đang chờ con phía trước. Giờ đánh đổi gì tôi cũng chịu, chỉ cần con sống, tôi sẽ cố gắng để con thoát cảnh mù lòa".
Sự sống của con gái ở sau những cuốc xe ôm của cha
Chứng kiến con ngày đêm vật vã với căn bệnh hiểm nghèo, bố mẹ nào cũng lo lắng cho con. Thế nhưng, ngoài nỗi đau bệnh tật, họ còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác, trong đó kinh phí điều trị cho con là một vấn đề lớn.
Lúc trước chị Thảo làm nghề bánh kem, mỗi tháng kiếm được 5 triệu đồng. Còn chồng chị chạy xe ôm công nghệ. Dù quần quật làm ăn quanh năm, nhưng cuộc sống của gia đình không khấm khá lên được. Nguồn thu nhập của 2 vợ chồng cộng lại cũng đủ để chi trả các chi phí ăn sinh hoạt và tiền thuê trọ 2,3 triệu đồng/tháng.
Phòng trọ mà gia đình chị Thảo đang sống tạm bợ được lợp bằng tôn, cũ kỹ và lụp xụp. Những ngày TP.HCM nắng nóng gay gắt, căn phòng thêm hầm hập và bí bách. Phòng rộng chừng 10 m2, có một chiếc cửa sổ bé xíu. Phòng chỉ vừa kê đủ một chiếc nệm, một chiếc tủ ọp ẹp và một cái bàn gỗ bé xíu để nấu ăn. Quanh nhà, áo quần, đồ đạc cũ kỹ treo khắp nơi.
Phía trước không có mái che nên nắng hắt khiến căn phòng trọ đã chật chội lại càng thêm ngột ngạt. Ban ngày phòng tối om vì cửa đóng kín mít để tránh nóng ùa vào, đèn không dám bật vì sợ tốn điện. Chỉ có 3 chiếc quạt “thương binh" bé tẹo đang chạy rì rì. Khó khăn về kinh tế nên chị Thảo cũng không biết thuê trọ ở đâu cho rẻ hơn.
Từ ngày tai họa bệnh tật ập đến, mỗi tháng chị Thảo phải hết 20 ngày cùng con chạy lui tới Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) và Bệnh viện Mắt TP.HCM để chữa trị cho Nhi. Điều đó khiến gia đình chị lâm vào cảnh khốn khó, không thể xoay xở nổi số tiền 10 triệu đồng/tháng để điều trị bệnh cho con. Để kiếm tiền, chồng chị cật lực làm việc từ 8 giờ đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, có ngày chỉ kiếm được 100.000 đồng.
Trải qua gần 250 ngày cùng con điều trị ung thư mắt; tăng áp phổi và thông liên nhĩ, kinh tế của gia đình chị Thảo kiệt quệ. Chưa đầy một năm, số tiền trang trải cho con đã gần 100 triệu đồng, chủ yếu là vay mượn.
“Lần nhập viện trước tôi đã cầm cố xe máy được 5,5 triệu đồng để đưa con lên viện. Mà đợt này, chắc phải bán luôn thôi, đến giờ còn chưa lo đủ tiền đi lại”, chị Thảo chua xót.
Theo phác đồ điều trị ung thư mắt, Nhi cần phải vào 8 toa hóa chất chống ung thư. Đến nay em đã hoàn thành 8 toa, bác sĩ nói chờ kết quả xét nghiệm, nếu sức khỏe ổn định em sẽ được chuyển qua duy trì.
Chứng kiến con đang cố gắng từng ngày để chống chọi với tử thần, chị Thảo chỉ biết nén nước mắt. Theo chị, chi phí sắp tới để mổ tim cho Nhi gần 15 triệu đồng, hiện tại vợ chồng chị chưa biết bấu víu vào đâu để xoay ra tiền mổ tim cho Nhi.
Chiều xuống, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM càng trở nên hiu quạnh. Nhiều người thân và các bệnh nhi tay xách nách mang, uể oải nằm nép mình bên hàng rào, vỉa hè bệnh viện. Những đứa trẻ bất hạnh đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau thể xác, các em còn phải cùng gia đình đối mặt với những khó khăn về kinh tế.
Dù vậy, người thân các em không bỏ cuộc, đã phải gồng mình để giành sự sống cho con, cháu. Còn những "chiến binh nhí" vẫn không ngừng khát khao được sống, dẫu sự sống ấy chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ. Niềm vui của các em chỉ giản đơn là mỗi sáng thức dậy, có thêm ngày nữa được sống...
Bình luận (0)