Con người thông minh nhờ lỗi sao chép

14/05/2012 03:01 GMT+7

Nghiên cứu mới cho thấy lỗi trong việc phân chia tế bào nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn đến sự ưu việt của não người so với những họ hàng gần nhất.

Con người thông minh nhờ lỗi sao chép
Những đột biến ADN có thể dẫn tới sự ra đời của con người hiện đại - Ảnh: Discovery 

Theo báo cáo nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Cell, khi tiến hành thử nghiệm trên chuột, các chuyên gia nhận thấy lỗi này khiến tế bào não chuột di chuyển nhanh hơn và kích hoạt nhiều kết nối hơn giữa chúng.

Khi bất kỳ tế bào nào phân chia, đầu tiên nó sẽ sao chép toàn bộ gien của nó. Trong quá trình này, nó có thể mắc lỗi. Tế bào thường sửa các lỗi trong ADN. Nhưng khi lỗi không được sửa, chúng sẽ trở thành những thay đổi thường xuyên gọi là đột biến - có thể gây hại hoặc hữu ích, nhưng thường thì vô thưởng vô phạt. Một trong những dạng lỗi là việc nhân đôi, khi bộ máy sao chép ADN tình cờ sao chép một phần của bộ gien đến 2 lần.

Các nhà nghiên cứu đã quét bộ gien người để tìm các bản đúp này và phát hiện nhiều bản trong số chúng đóng vai trò quan trọng trong bộ não đang phát triển. Theo chuyên gia Franck Polleux thuộc Viện Nghiên cứu The Scripps ở thành phố La Jolla, thuộc bang California (Mỹ), và là trưởng nhóm nghiên cứu, có khoảng 30 gien được nhân đôi một cách chọn lọc ở người. “Đây là một số trong những thay đổi hệ gien gần đây nhất”, ông cho biết. Bản sao dư thừa của một gien là công cụ thử nghiệm của quá trình tiến hóa. Tương tự như đất sét mô hình, gien này không quan trọng như bản gốc, do đó có thể thay đổi nó mà không làm tổn hại đến sinh vật.

Các chuyên gia đã nghiên cứu một gien cụ thể có tên SRGAP2 mà họ cho là đã được nhân đôi ít nhất hai lần trong quá trình tiến hóa của con người, một lần cách đây khoảng 3,5 triệu năm và lần nữa cách đây khoảng 2,5 triệu năm. Lần thứ 2 dường như chưa hoàn thành với chỉ một phần gien duy nhất được nhân đôi. Nhóm nghiên cứu cho rằng gien được nhân đôi một phần này có thể can thiệp vào bản sao gien gốc SRGAP2. Khi các chuyên gia bổ sung bản sao nhân đôi một phần này vào bộ gien chuột (chuột thường không có gien này), nó dường như thúc đẩy sự di chuyển của các tế bào não trong quá trình phát triển, giúp tổ chức não hiệu quả hơn.

Đáng chú ý là bản sao không hoàn thiện của gien này có vẻ như đã xuất hiện khi người Hominin Australopithecus đã tuyệt chủng được thay thế bởi dòng Homo, vốn dẫn tới sự ra đời của con người hiện đại. Đó cũng là khi bộ não của tổ tiên chúng ta bắt đầu mở rộng và những biến đổi lớn về khả năng nhận thức xuất hiện.  

Khang Huy

>> Con người có thể thở như cá?
>> Con người có thể thở dưới nước?
>> Đã có sự bùng nổ gien cách đây khoảng 3 tỉ năm
>> Camera “nhìn” được dấu vết vô hình
>> Ảnh nghệ thuật từ ADN
>> Turbin gió không cánh quạt
>> Bất tử thời kỹ thuật số
>> Máy hút bụi biết nói
>> Thành thạo hai ngôn ngữ làm tăng sức mạnh của não
>> Nghiên cứu rắn đuôi chuông qua robot sóc
>> Hành trình xuống “địa ngục” của đạo diễn Avatar
>> Robot sứa
>> Kỷ lục vượt đại dương của robot

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.