Sau hai môn thi lớp 10 là ngữ văn và tiếng Anh được cho là "dễ thở", thí sinh TP.HCM vừa phải đối diện với một đề toán khó, được nhiều giáo viên và chính Sở GD-ĐT nhận xét là "có tính phân hóa" nhằm chọn được những học sinh giỏi, tư duy tốt vào các trường top đầu. Ghi nhận thực tế tại điểm thi, nhiều em bật khóc nức nở trong vòng tay của phụ huynh vì lo mất cơ hội vào ngôi trường mơ ước sau thời gian dài chăm chỉ ôn luyện.
Chờ đón con thi xong môn toán ở Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), chị Lư Yến Nhi, ngụ Q.6, cho biết bản thân chị những ngày con thi luôn bồn chồn, lòng như lửa đốt, "huống hồ chi bọn nhỏ". Đợi ngoài cổng trường, lâu lâu đứng ngoài nhìn vào, chị Nhi chỉ thầm cầu "đề đừng quá khó", "mong cho con sáng dạ". "Thấy con thi cử, tôi cũng căng thẳng lắm mà không dám nói con nghe, sợ con đã căng càng căng thêm", nữ phụ huynh nói.
Đến khi con hoàn thành bài thi, trông con lững thững đi ra từ cổng trường, chị Nhi cũng cổ vũ con "thi xong rồi thì thôi". "Nghe con và bạn bè nó bảo đề khó, tôi hỏi thêm cũng không thay đổi được gì, có khi còn vô tình tổn thương con. Bình thường không khuyến khích con chơi game, nay tôi cũng phá lệ bảo con chơi đi cho khuây khỏa. Chờ kết quả ra rồi tính tiếp", chị Nhi trải lòng.
Chị Trần Thúy Diễm, phụ huynh một học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh), chia sẻ dù tin tưởng rất nhiều ở con, song chị cũng không tránh khỏi lo âu khi con vì thi cử mà mắc chứng biếng ăn. "Thấy con lúc thì không chịu ăn, còn khi ăn thì vẫn khư khư bài vở, tôi xót lắm. Biết thi lớp 10 nhiều áp lực, tôi động viên con mọi lúc có thể, mong con thoải mái, tự tin làm bài", chị Diễm cho hay.
Trong khi đó, tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (Q.1), chị Lê Thị Bé, phụ huynh một học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhà Bè), cho biết vẫn đợi sát bên cổng trường dù trời đã lác đác mưa vì mong "con vừa ra có thể thấy mình ngay, em chắc chắn sẽ rất vui". "Tôi đợi ở đây hơn 2 tiếng cho đỡ sốt ruột vì về cũng bồn chồn, không làm được gì", chị Bé kể.
Nữ phụ huynh cho biết, con đặt nguyện vọng vào lớp chuyên văn, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1). Sáng 7.6, thấy nhiều bạn cùng tuổi con òa khóc sau khi thi xong môn toán, chị Bé cũng xót lòng. "Hôm trước các con vừa thi văn và tiếng Anh xong, đề dễ nên bạn nào cũng thấy ngon. Đến thi toán sao đề khó quá, giống như đưa các con lên cao rồi cho té cái bụp nên bạn nào cũng hụt hẫng", chị Bé tâm sự.
Thương con gái, chị Bé cũng không đặt ra áp lực nào. Nữ phụ huynh kể, thời gian qua, ngày nào con cũng 3 giờ 30 sáng dậy ôn bài, luyện đề, đến 10 giờ tối mới tắt đèn đi ngủ, "kể cả hôm thi". "Thấy con tâm huyết, cố gắng, tôi thấy vui và hãnh diện. Ngoài kia lúc nào chẳng có 'cao thủ', cố gắng hết mình mới là điều quan trọng nhất. Với tôi, con có trường để học là được rồi, không quan trọng là chuyên hay thường", chị Bé chắc nịch.
Phụ huynh Nguyễn Thu Hà thì chia sẻ, ở bậc tiểu học và THCS, cha mẹ là người chọn trường cho con. Nhưng khi lên THPT, các con phải tự đặt nguyện vọng vào ngôi trường mình mong muốn. Đó là ước mơ, là mục đích đầu đời của con, chị Hà nhận định.
Cụ ông U80 đưa con đi thi lớp 10: Có phải đợi con 3 tiếng thì tôi vẫn sẵn sàng!
"Các con bước vào kỳ thi lớp 10 với tâm trạng háo hức, thêm một chút hồi hộp, lo âu. Nhưng trên hết đó chính là niềm hy vọng gửi gắm đến ước mơ của mình, một niềm hy vọng căng tràn sau ngày thi đầu tiên với đề ngữ văn, tiếng Anh tương đối dễ thở với các bạn học lực khá. Tuy nhiên, đến buổi thi toán, các con lại khóc nức nở vì đề quá khó và quá dài", chị Hà bồi hồi.
"Nhưng không sao, vì các con đã cố gắng hết sức", người mẹ 3 ngày liên tục đưa con đi thi lớp 10 nhắn nhủ.
Năm 2024, TP.HCM tuyển hơn 77.300 trong tổng số khoảng 98.600 thí sinh vào lớp 10 công lập đợt này, với tỷ lệ trúng tuyển khoảng 80%. Dẫn đầu về tỷ lệ chọi là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - 1/3,22. Điểm xét tuyển hệ đại trà là tổng điểm 3 môn ngữ văn, toán học, ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có).
Bình luận (0)