Cơn sốt ảo lan đột biến: Bán 6 triệu, bị bắt đền... 3 tỉ đồng

28/03/2021 06:13 GMT+7

Nhiều người là nạn nhân của chiêu trò “thổi” giá lan đột biến với những giao dịch “khủng” lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng...

Đam mê trồng và có gần 20 năm chơi hoa lan này, nhưng có người vẫn trở thành nạn nhân của chiêu trò “thổi” giá lan đột biến (lan VAR) mà thị trường vẫn đang sôi sục với những giao dịch “khủng” lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng.
Đó chỉ là một trong những nạn nhân bất đắc dĩ của cơn sốt ảo lan đột biến trên thị trường hiện nay mà chúng tôi tiếp xúc.

Nhiều người “sập bẫy”

Bán mầm lan VAR phi điệp hồng yên thủy có giá 10 triệu đồng, nhưng sau 3 năm thì người bán cây lại bị “bắt đền” 200 triệu đồng là tình huống oái oăm mà ông T.V.Q, một cán bộ về hưu nhà ở TX.Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), đang gặp phải. Ông Q. “ngã ngửa” khi cây lan lớn lên từ mầm cây lan VAR mua từ Thừa Thiên-Huế với giá 6 triệu đồng nay đã được “thổi” lên trên 3 tỉ đồng (!?).
Nét mặt hốc hác, buồn rầu, ông Q. vừa nhận được yêu cầu phải đền bù cho cây lan VAR phi điệp hồng yên thủy nở sai mặt hoa cho khách hàng thứ 4 trú tại H.Phù Ninh, Phú Thọ.
Ông Q. cho biết khoảng tháng 8.2019, lan VAR chưa phải là “hàng nóng” như bây giờ. Qua mạng xã hội, ông Q. có đặt mua 1 mầm lan VAR của một phụ nữ tại H.Nam Đông (Thừa Thiên-Huế).
“Theo người bán, giống ban đầu khai thác ở rừng, họ nói là mầm lan VAR phi điệp hồng đột biến, mình tin thì mua với giá 6 triệu đồng, tiền thì chuyển khoản, hàng nhận theo đường chuyển phát nhanh”, ông Q. nhớ lại. Đưa về “nuôi” trong vườn, ông Q. bắt đầu giới thiệu cho bạn bè trong giới chơi lan thì một người bạn ở TP.Việt Trì “gạ” mua với giá 10 triệu đồng.
Sau đó, cây lan ban đầu này lại tiếp tục được bán cho khách hàng thứ 3 làm giáo viên tại H.Phù Ninh (Phú Thọ), rồi đến khách hàng thứ 4 tại H.Cẩm Khê (Phú Thọ), thì cây nở ra hoa và sự việc bắt đầu rắc rối từ đây. Cây lan ra hoa cũng là màu hồng, nhưng lại sai với màu hoa đột biến cam kết ban đầu. Cho rằng mình bị “lừa”, khách hàng thứ 4 bắt đầu quay lại, gây sức ép với khách hàng thứ 3 yêu cầu đền bù thiệt hại, cứ thế mọi rắc rối đổ dồn về ông Q. và người bạn từng giao dịch năm xưa.
 Theo ông Q. tiết lộ, tại Phú Thọ cũng có những trường hợp người đầu tư vào lan đột biến “ngậm quả đắng”, thiệt hại cả trăm triệu đồng, khi giao dịch xong thì người bán xóa tài khoản Zalo, Facebook, không còn cách nào liên lạc lại. Nếu là giao dịch thật thì phải có cam kết đến khi ra hoa nhưng các nhóm lừa đảo biết rõ không phải lan đột biến nhưng rao bán giá hoa đột biến. Trước khi giao cây, những mầm hoa, kie hoa này đều bị tưới nước muối hoặc phun thuốc diệt cỏ. Người mua bỏ ra cả chục triệu, trăm triệu mua về nhưng chỉ vài ngày là cây chết. Khi đó, người bán quay sang đổ lỗi cho quá trình chăm sóc và đây là cách nhóm lừa đảo xóa bằng chứng để chối bỏ trách nhiệm đền bù.
Theo ông Q., khi định giá về giá trị cây hoa, ông ngỡ ngàng khi một mầm lan VAR phi điệp hồng yên thủy đột biến giá “bán lúa non”, nghĩa là chỉ bán riêng mầm hoa, là 55 - 60 triệu đồng. Giá bán mỗi kie (mầm con) từ 11 - 28 triệu đồng/cm với chiều dài từ 5 - 30 cm. Kie càng ngắn thì giá tiền càng cao. Áp giá thị trường hiện nay, chậu hoa với 3 nhánh thân và 3 mầm hoa qua 3 lần giao dịch được khách hàng thứ 4 định giá trên 3 tỉ đồng để đàm phán đền bù thiệt hại.
Cũng theo ông Q., sau rất nhiều tháng đàm phán, tranh cãi thì khách hàng thứ 4 “hét” giá đền bù 600 triệu đồng. Số tiền này được chia đều cho 3 người giao dịch trước đó.
“Cây bán cho ai thì biết mức giá ở đây, mọi giao dịch sau, bao nhiêu tiền mình cũng không biết. Khi sai hoa thì họ dùng đủ chiêu trò để ép phải trả tiền, việc này giống như anh đi bán bò, nhưng sau đó không chỉ đền bò mà còn cả đàn bê”, ông Q. nói và cho biết đa phần người chơi lan như ông vì sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, gia đình và công việc nên đành tìm cách vay mượn, thu xếp tiền bạc đền bù cho xong, để được yên thân. Theo ông Q., trong vụ đền hoa này, ông và gia đình đang tính phương án tố cáo lên cơ quan công an nếu bị ép buộc phải đền khoản tiền vô lý trên.
Chậu lan phi điệp hồng yên thủy từ mầm hoa của ông Q. được định giá 3 tỉ đồng để tính mức đền bù thiệt hại Ảnh: Phan Hậu

Chậu lan phi điệp hồng yên thủy từ mầm hoa của ông Q. được định giá 3 tỉ đồng để tính mức đền bù thiệt hại

Ảnh: Phan Hậu

Cũng theo ông Q., đối với người chơi lan lâu năm thì lan VAR trước đây có giá cao cũng chỉ đến vài triệu hoặc hơn chục triệu đồng là cao. Còn hiện nay, lan đột biến bị các nhà vườn lớn “thổi giá” quá mức, nhằm tạo ra sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư kinh doanh hơn là để chơi lan chuyên nghiệp.

Bắt nhiều vụ lừa đảo lan đột biến giả

Trong khi cơn sốt lan đột biến vẫn đang nóng khắp nơi thì nạn nhân cũng đã xuất hiện. Ở các tỉnh phía bắc, thị trường lan đột biến “nóng” ở khắp các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang... khiến lực lượng công an các địa phương có nhiều cảnh báo cũng như điều tra, theo dõi các giao dịch, bước đầu phát hiện một số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tháng 12.2020, Công an H.Tân Sơn (Phú Thọ) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi), cùng trú tại H.Yên Thủy, Hòa Bình. Qua điều tra, nhóm đối tượng này sử dụng phương thức tinh vi khi tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng của nhiều người.
Gần đây nhất, ngày 14.1, Công an H.Yên Thủy (Hòa Bình) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Thị Suối Vân (29 tuổi, ở xóm Đội 2, xã Bảo Hiệu, H.Yên Thủy) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội. Theo điều tra, từ tháng 6 - 7.2020, Vân đã lừa bán lan đột biến giả cho nhiều người với tổng số tiền giao dịch lên đến 4,6 tỉ đồng.
Ngày 22.3, Công an tỉnh Tuyên Quang lần thứ hai phát đi thông điệp cảnh báo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng khi các đối tượng lợi dụng giao dịch mua bán hoa lan đột biến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh “tấm gương” đổi đời, làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỉ trong thời gian ngắn đã đánh vào tâm lý hám lợi của một số người dân, thúc đẩy họ tham gia đầu tư vào hoa lan đột biến. Lan đột biến được giao dịch với giá “trên trời” tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Trên thực tế, không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn “tín dụng đen” để đầu tư.
“Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, “đòi nợ thuê”, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản”, Công an tỉnh Tuyên Quang cảnh báo.
Cũng theo Công an tỉnh Tuyên Quang, hoạt động mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận dân sự. Giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá” gây sự hấp dẫn giả tạo để kích thích, dẫn dụ người mới chơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.