Sinh viên một trường nghề thực hành nghề bếp |
lê thanh |
Thông tin nguồn nhân lực ngành đầu bếp với mức lương từ 60.000 đô la Úc/năm nói trên do ông Demetrios Jim Rigogiannis, nhà sáng lập JR Training Pty Ltd, đơn vị triển khai chương trình thực tập sinh có lương và định cư tại Úc, chia sẻ.
Theo ông Demetrios Jim Rigogiannis, riêng TP.Melbourn hiện đang cần hơn 2.000 đầu bếp và hơn 3.000 vị trí nhân sự cho các ngành khác trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.
“Số người làm trong lĩnh vực bếp tại Úc tăng nhanh trong 5 năm vừa qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong 5 năm tới, từ 94.400 người năm 2020 đến 112.700 người vào năm 2025, với mức lương từ 60.000 đô la Úc/năm trở lên (khoảng gần 1 tỉ đồng, kèm theo đó là rất nhiều chế độ đã ngộ hậu hĩnh) đối với những người thạo tiếng Anh và tay nghề. Tuy nhiên, việc quốc gia này thiếu hụt nhân lực hiện vẫn còn đang là vấn đề nổi cộm. Nhiều nhà hàng buộc phải đóng cửa cả chủ nhật, thứ hai, ba, tư… vì không có nhân viên làm việc. Đây là cơ hội nghề nghiệp lớn cho các nguồn lao động nhập cư, trong đó có Việt Nam”, ông Jim Rigogiannis, cho biết.
Để tiếp cận nhanh với các vị trí công việc tại Úc trong bối cảnh này, theo ông Jim Rigogiannis, du học tại chỗ ngắn hạn nghề bếp đang là lựa chọn với nhiều lợi thế cho học viên trong nước. “Du học tại chỗ nghề bếp có nhiều lợi thế nhờ thời gian đào tạo tương đối ngắn, điều kiện học tập có thực hành nhiều và cơ hội việc làm đầu ra rất lớn. Thay vì phải ra nước ngoài, người học hoàn toàn có thể thụ hưởng các chương trình đào tạo đạt chuẩn và nhận bằng cấp quốc tế với mức chi phí hợp lý ngay tại Việt Nam. Bằng cấp này có thể giúp cho người học hoàn thiện các loại visa khác nhau để làm việc hoặc định cư tại Úc cũng như các quốc gia khác”, ông Jim Rigogiannis, gợi ý.
Sinh viên học nghề bếp trong một buổi thực hành nấu các món ăn |
LÊ THANH |
Theo bà Trần Thị Trà My, phó Phòng đào tạo Trường Hướng nghiệp Á Âu, đây là cơ hội để bạn trẻ tiếp cận với tiêu chuẩn nghề từ các quốc gia tiên tiến. Không chỉ dừng ở nhu cầu du học hoặc định cư, với điều kiện đầu ra vừa nắm vững kỹ năng tay nghề, vừa có năng lực ngoại ngữ, các nhân sự trẻ cũng có thể tự tin chinh phục thị trường tuyển dụng đầy cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Thái Đăng Khoa, Trưởng khoa Du lịch của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trước đây ngành đầu bếp đa phần là nữ theo học nhưng một hai năm trở lại đây, ngành này đã thu hút các bạn nam theo học. Đặc biệt, các bạn nam đã chú tâm học đầu bếp thường nấu ăn rất ngon và sau khi ra trường có tỷ lệ thành công cao.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Giám đốc các ngành dịch vụ ăn uống của khách sạn Majestic Saigon (TP.HCM) chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, học viên trường nghề hiện nay cũng cần có khả năng thích ứng với công nghệ cao để có thể tham gia thêm nhiều cơ hội học tập chủ động hơn. Song song với việc các trường đào tạo nghề cần có giải pháp tối ưu hóa năng lực cạnh tranh cho học viên trên thị trường lao động quốc tế, thì mỗi học viên theo học các ngành liên quan đến đầu bếp, nhà hàng, khách sạn cần chủ động rèn luyện trau dồi năng lực ngoại ngữ, kỹ năng thích ứng và làm việc nhóm để khi ra trường tự tin bước vào công việc với mức lương cao”.
Bình luận (0)