Còn tình trạng né trách nhiệm khi trả lời cử tri

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/05/2019 04:52 GMT+7

“Chủ yếu trích dẫn văn bản”, “không đi thẳng vào vấn đề”, “không nhận trách nhiệm”... là những đánh giá của Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về chất lượng trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri.

Sáng 9.5, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo của Ban Dân nguyện giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 của Ủy ban T.Ư MTTQ VN.

Chỉ 8,61% kiến nghị được giải quyết xong

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết mặc dù 99,5% ý kiến của cử tri được xem xét, giải quyết, trả lời nhưng có tới 78,69% là dưới dạng giải trình, cung cấp thông tin. Trong khi đó, tỷ lệ kiến nghị được giải quyết xong chỉ 8,61%. “Chất lượng trả lời kiến nghị cử tri còn bất cập”, bà Hải nhấn mạnh và cho biết nhiều văn bản trả lời cử tri thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật; một số văn bản trả lời còn rất chung chung như “đã giao”, “đang chỉ đạo giải quyết”... mà chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri phản ánh; không nhận trách nhiệm của các bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị... nên còn thiếu thuyết phục.
Dẫn chứng trả lời của Bộ GD-ĐT về gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bức xúc vừa qua, bà Hải cho rằng khi trả lời cử tri bộ này chỉ nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Về trách nhiệm, bộ chỉ nêu “ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của ban chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi”. Theo bà Hải, Bộ GD-ĐT trả lời như vậy là chung chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của mình trong công tác quản lý nhà nước khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay.

Chạy chức chạy quyền ít được phát hiện, xử lý

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn chỉ ra hàng loạt vấn đề bức xúc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thông qua gần 2.000 ý kiến của cử tri được tổng hợp.
Cụ thể, ông Mẫn cho biết cử tri và nhân dân rất lo lắng, bức xúc về thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em; hàng hóa không rõ nguồn gốc; hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng.
Việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” cũng gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
“Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội”, ông Mẫn nói.
Bên cạnh đó, ông Mẫn cho biết cử tri và nhân dân vẫn phản ánh và cho rằng tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức... vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện, xử lý. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng, địa phương công khai, minh bạch tuyển dụng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Uống rượu bia khi lái xe cần phạt thêm lao động công ích
Chiều 9.5, thảo luận về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 7 của QH, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị QH cần phải ra nghị quyết để xử lý nghiêm những vấn đề bức xúc của xã hội mà luật chưa điều chỉnh. Chẳng hạn như vấn đề xử lý lái xe uống rượu bia, ông Hiển cho rằng những trường hợp uống rượu bia lái xe gây tai nạn trong luật đã có quy định rồi, nhưng có thể quy định hình thức xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia khi lái xe, kể cả chưa gây tai nạn.
“Nếu uống rượu bia dù chưa gây tai nạn thì có thể bị xử phạt tiền ở mức độ cao, cần thiết thì đưa ra quy định bắt lao động công ích, chẳng hạn như nạo vét sông Tô Lịch”, ông Hiển nói và cho rằng hiện mức phạt tiền thậm chí 15 - 20 triệu nhiều người cũng sẵn sàng trả, nên lao động công ích là việc rất quan trọng.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ đồng tình với việc tăng chế tài xử phạt đối với tài xế say rượu lái xe như Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề xuất. "Đã lái xe mà sử dụng rượu bia thì phải phạt nặng, buộc phải lao động công ích, như thu gom rác ở khu vực nào sinh sống", bà Ngân nói.
Kỳ họp thứ 7 của QH sẽ khai mạc vào ngày 20.5 và bế mạc ngày 14.6. Tại kỳ họp, QH sẽ thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật. Cũng tại kỳ họp này, QH sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và một số nội dung quan trọng khác...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.