Liên quan đến vụ Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) hòa giải cho kẻ cướp và bị hại khiến một số lãnh đạo, chỉ huy cơ quan này bị đình chỉ công tác, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Viện KSND TP.Hà Nội cho biết, trong vụ việc này Viện KSND Q.Tây Hồ không phải chịu trách nhiệm gì và không có cán bộ nào liên quan.
Theo lãnh đạo Viện KSND TP.Hà Nội, vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng lại không nằm trong hệ thống tin báo của cơ quan tiến hành tố tụng.
“Viện KSND Q.Tây Hồ không hề biết vụ án này. Họ (Công an Q.Tây Hồ - PV) giấu, họ không thụ lý tin báo mà để ngoài sổ sách và tự làm, còn xóa cả sổ tạm giữ,... họ phải chịu trách nhiệm riêng, Viện kiểm sát không thể biết được trong trường hợp này”, vị lãnh đạo Viện KSND TP.Hà Nội cho hay.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nếu có sự việc Công an Q.Tây Hồ tự xử lý vụ án mà không thông qua Viện KSND thì điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Luật sư Tiền dẫn chứng, tại khoản 5 điều 146 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tin tố giác cho viện KSND cùng cấp hoặc viện KSND có thẩm quyền trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận.
Ngoài ra, điều 147 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, chậm nhất là 5 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện KSND cùng cấp hoặc viện KSND có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Nếu việc giải quyết tin tố giác bị tạm đình chỉ hoặc phục hồi thì cơ quan điều tra đều phải thông báo cho viện kiểm sát theo đúng quy định.
Theo luật sư Tiền, vai trò của viện kiểm sát đã được quy định rất rõ tại điều 159 bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của viện kiểm sát là quy định bắt buộc để tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai, cũng như tránh việc lạm quyền từ cơ quan điều tra.
“Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cần làm rõ động cơ, mục đích của việc không thông báo này để xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, thượng tôn pháp luật”, luật sư Tiền nêu quan điểm.
Như Thanh Niên đưa tin trước đó, Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi, trú tại Q.Ba Đình, Hà Nội) hoạt động tín dụng đen. Năm 2016, trong quá trình thu hồi nợ, Tài và đồng bọn đã đánh, bắt, cướp điện thoại của “con nợ”.
Bị Công an Q.Tây Hồ triệu tập, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Tuy nhiên, Công an Q.Tây Hồ lại không xử lý mà hòa giải cho Tài và bị hại.
Tưởng chừng sự việc đã đi vào dĩ vãng, nhưng từ tháng 1 - 3.2021, Tài cùng các đối tượng trong vụ án bất ngờ đến Công an TP.Hà Nội xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Ngày 29.4, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt Tài 24 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”. Các đồng phạm khác gồm: Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, trú Q.Đống Đa, Hà Nội) lĩnh án 18 tháng tù; Nguyễn Khắc Đức (29 tuổi) và Trần Văn Lộc (26 tuổi), cùng trú Q.Tây Hồ, đều lãnh 20 tháng tù; Nguyễn Quang Chính (23 tuổi, trú Q.Tây Hồ) lãnh 15 tháng tù, hưởng án treo.
Đáng chú ý, tại tòa, vợ của Tài khai trong quá trình Công an Q.Tây Hồ thụ lý vụ án, người này đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ để nhờ “chạy án” cho chồng.
Công an TP.Hà Nội sau đó đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với thượng tá Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) và đại tá Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an Q.Tây Hồ (thời điểm nhận quyết định đình chỉ công tác, ông Lê giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội) để điều tra dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án này.
Trong cuộc họp báo thông tin về tình hình, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2021 tại Bộ Công an, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết căn cứ vào những kết quả ban đầu cho thấy vụ việc có dấu hiệu không khởi tố người có tội và nhóm tội danh này thuộc thẩm quyền điều tra của Viện KSND tối cao. Ngoài ra, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cũng đang làm rõ có hay không việc chạy án.
|
Bình luận (0)