Liên quan đến nội dung này, một cán bộ Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng xác nhận, có cán bộ, điều tra viên Công an tỉnh Khánh Hòa đến sở này thu thập hồ sơ về dự án nói trên.
Trong một diễn biến khác, các cơ quan thuộc ngành thuế tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nắm được thông tin báo chí phản ánh về dự án nhà máy nước có dấu hiệu sử dụng hóa đơn "khống" để hợp thức đất san lấp không rõ nguồn gốc. Hiện các đơn vị thuế đã vào cuộc xác minh nội dung này.
Trước đó, ngày 3.1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, ký văn bản số 32/UBND-KT giao Sở TN-MT chủ trì, khẩn trương phối hợp Công an tỉnh, Sở GTVT, UBND H.Diên Khánh, các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí về dự án nhà máy nước Sơn Thạnh ở xã Diên Thọ, H.Diên Khánh có nghi vấn dùng đất "lậu" và hóa đơn "khống" để hợp thức hóa. Sở TN-MT Khánh Hòa đã có chỉ đạo giao Thanh tra sở xác minh, làm cơ sở báo cáo kết quả giải quyết báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.1.
Động thái này diễn ra sau khi tại hội nghị giao ban tuần Tỉnh ủy Khánh Hòa cuối tháng 12.2023, ông Hà Quốc Trị, Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa có kết luận yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh; trong đó có việc sử dụng nguồn gốc đất chưa hợp pháp để làm dự án nhà máy nước Sơn Thạnh.
Như Thanh Niên đã có loạt bài viết phản ánh, dự án nhà máy nước Sơn Thạnh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 5.5.2021, do liên danh nhà đầu tư Công ty CP đầu tư xây dựng cấp thoát nước Sơn Thạnh (P.Phương Sài, TP.Nha Trang) và Công ty CP đầu tư ngành nước DNP (H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) thực hiện với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 400 tỉ đồng.
Ngày 13.12.2023, UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định số 3094 về việc cho chủ đầu tư dự án nhà máy nước Sơn Thạnh thuê 4,3 ha đất để làm dự án. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, dự án đã thi công cách đây nhiều tháng. Trong đó, mặt bằng dự án đến thời điểm này được san lấp gần như cơ bản và có dấu hiệu sử dụng nguồn đất "lậu" để san lấp mặt bằng.
Ngoài ra, qua điều tra của PV, để hợp thức nguồn đất không rõ nguồn gốc nói trên, đơn vị thi công san lấp mặt bằng dự án nhà máy nước Sơn Thạnh là liên doanh Công ty TNHH Hoàng Thành CCS (trụ sở tại 76 Nguyễn Biểu, P.Vĩnh Hải, TP.Nha Trang) và Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Đường Việt (trụ sở tại lầu 8, tòa nhà Thủy Lợi 4, 102 Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có nghi vấn sử dụng hóa đơn "khống" để hợp thức nguồn đất "lậu".
Liên quan đến quản lý chặt chẽ khai thác sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngày 15.12.2023, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ký ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, tại mục 7 của Chỉ thị nêu rõ: "Kiên quyết xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản".
Bình luận (0)