Ngày 11.3, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu nạo vét khẩn filler mông cho nữ bệnh nhân L.T.K (26 tuổi, ngụ Đà Nẵng) vì trước đó bệnh nhân tiêm filler vào mông gây biến chứng.
Cũng trong sáng ngày 11.3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Công an TP.HCM đến Bệnh viện thẩm mỹ JW, gặp gỡ trực tiếp bệnh nhân và bác sĩ điều trị để điều tra và làm rõ sự việc nữ bệnh nhân L.T.K bị hư mông sau khi tự tiêm tại nhà.
Khai báo với cơ quan chức năng, nữ bệnh nhân cho biết mình từng tiêm filler lên mặt, ngực, mông ở nhiều địa điểm khác nhau và tiêm nhiều lần. Nghĩ rằng việc tiêm filler sẽ phải diễn ra nhiều lần và tốn kém nên chị K. đã quyết định tự mua về một lượng filler trị giá 150 triệu đồng và nhờ cô bạn thân tiêm filler vào mông. Cô bạn thân này cũng chỉ là "tay ngang" từng học lỏm cách tiêm chích filler và không có bất kỳ chứng chỉ hành nghề nào, đang hành nghề tại một spa ở Malaysia.
Cách đây 2 tháng, chị K. hoảng hốt khi vùng mông phải bị sưng tấy, căng cứng và tụ thành khối áp xe lớn, đồng thời gây đau nhức. Quá đau đớn với khối áp xe trên mông, chị K. đã quyết định tự phá hủy khối áp xe và nặn filler ra, nhưng ra toàn dịch mủ hôi thối.
Trên đường vào TP.HCM tìm bệnh viện chữa trị thì chị K. phải nhập vào một BV ở Bình Dương để được sơ cứu khối áp xe đang trào dịch. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ở đây đã cho chị K. tiến hành nạo filler bên mông phải trong suốt 6 ngày để đưa filler ra ngoài. Nhưng mông bên trái xuất hiện triệu chứng đau nhức liên tục và hình thành một khối áp xe lớn, dù tự rạch để nặn mủ nhưng càng thêm đau. Nữ bệnh nhân đã quyết định vào Bệnh viện thẩm mỹ JW ở TP.HCM để thăm khám.
Kết quả chụp MRI phát hiện filler đã lan rộng khắp vùng mông trái của bệnh nhân, đến tận khu vực xương chậu, khiến cho mông bị sưng phồng, cứng ngắc, nhiều vùng bị vón cục. Ở giữa vùng biến chứng filler có vết thương sâu, liên tục chảy dịch, khiến bệnh nhân đau đớn. Bệnh nhân được chỉ định mổ khẩn nạo vét filler ra.
Ngay khi vừa bóc tách và rạch đường phẫu thuật đầu tiên, filler và dịch mủ đã trào ra nhiều, có màu trắng đục. Filler này len lỏi sâu vào các mô cơ tạo thành cấu trúc tổ ong, khiến vùng mông của bệnh nhân sẽ bị chỗ lồi, chỗ lõm, biến dạng, chỗ bị xuyên thủng... hình thành khối tổ ong bên trong mô mềm.
Thậm chí, filler thẩm thấu và lan rộng tới tận xương chậu của bệnh nhân, gây tắc nghẽn mạch máu nuôi dẫn đến hoại tử mô và nhiễm trùng nặng. Việc tích tụ mô hoại tử trong một thời gian dài sẽ tạo thành mủ dịch, chậm chút nữa sẽ dẫn đến hoại tử toàn bộ mông. Đây cũng là lý do chính bệnh nhân bị đau nhức dữ dội và mông bốc mùi hôi thối.
Quá trình thực hiện bóc tách bác sĩ gặp nhiều khó khăn do cấu trúc áp xe hình tổ ong, phải phá từng vách của tổ ong để có thể nạo sạch filler lẫn trong các mô cơ hoại tử. Sau khi nạo vét, bác sĩ bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong mông để tránh nguy cơ vùng mông tiếp tục hoại tử. Sau 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ thu được hơn 500 ml hỗn hợp vừa filler, máu, mủ và mô hoại hoại tử trong mông bệnh nhân.
Hiện sức khỏe chị K. đã ổn định và được tiếp tục tiêm truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bác sĩ Tú Dung khuyến cáo không dùng filler để nâng cấp hay làm đầy mông vì vùng mông là vùng có nhiều mach máu lớn, nếu kỹ thuật tiêm không đúng sẽ gây tổn thương cả mạch máu và thần kinh. Mặc khác, nếu tiêm một lượng lớn filler sẽ gây chèn ép mô xung quanh, dây thần kinh và thậm chí dẫn đến hoại tử mô. Theo TS.BS Tú Dung, người dân nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định làm đẹp. Tốt nhất là đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để được tư vấn và thực hiện, tránh hệ lụy khôn lường gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.
Bình luận (0)