Công chúa Ngọc Vạn và vùng đất Nam bộ: Cái chết của Thái hậu Ang Cuv

Nặc Ông Xô được lên làm vua, hiệu là Batom Reachea (1660 - 1672), chấp nhận thần phục Phú Xuân. Năm 1664, Ông Xô phong em là Ông Tân làm Phó vương. Năm 1672, Sri Jayajetth (cháu đồng thời là rể của vua Ông Xô) giết vua để cướp ngôi.

Phó vương Ông Tân cho người chạy sang dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa) cấp báo. Chúa Hiền chuẩn bị cử quân sang trừng phạt kẻ soán nghịch, chưa kịp đi thì ở Chân Lạp kẻ soán vị đã bị công chúa Day Ksatri (vợ của Ông Tân) sai người giết chết.

Ang Chei (sử Việt gọi là Nặc Ông Đài) con của vua Nặc Ông Xô lên ngôi, rồi sai người giết Day Ksatri, gây nên mối thù với Ang Nan (sử Việt gọi là Nặc Ông Nộn) là con nuôi của Ông Tân và Day Ksatri. Ông Nộn chạy sang dinh Thái Khang cầu cứu. Dinh thần tâu lên, chúa Hiền bèn sai Nguyễn Dương Lâm làm thống binh, tướng thần lại thủ hợp Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, Văn Sùng làm thị chiến, đem quân đi đánh.

Công chúa Ngọc Vạn và vùng đất Nam Bộ: Cái chết của Thái hậu Ang Cuv - Ảnh 1.

Phụ nữ và trẻ em Cao Miên xưa - Tranh khắc của D.Maillart, phỏng theo một bức ảnh -

Le Tour du monde (năm 1875)

Ông Đài lo sợ, một mặt cho làm cầu phao, xích sắt băng qua sông, xây thành Nam Vang, mặt khác cho người sang cầu cứu nước Xiêm, nói phao lên rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy, và một nghìn voi ngựa đến hỏi tội Nặc Nộn về việc cự mệnh.

Về phía quân ta, Dương Lâm chia binh làm 2 đạo, đương đêm đánh úp, phá các lũy Sài Côn (Trong thời gian nói ở đây xin hiểu địa danh Sài Gòn lúc bấy giờ là vùng Chợ Lớn ngày nay) và Bích Đôi, chặt đứt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Ông Đài hoảng sợ bỏ chạy vào rừng rồi bị đồng đảng giết chết, Ông Tân cũng bệnh chết, giao binh quyền lại cho Nặc Nộn. Bấy giờ Ang Swur (sử Việt gọi là Nặc Ông Thu) là em Ông Đài đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận đưa về đến nơi, triều đình bàn rằng: Nặc Ông Thu là dòng đích (con của vua Nặc Ông Xô) thì phong làm Chánh vương, đóng đô ở Oudong.

Nặc Ông Nộn là dòng thứ cho làm Nhị vương, đóng tại Sài Côn (Chợ Lớn) cùng coi việc nước, hàng năm tiến cống như thường lệ. Tình hình Chân Lạp được tạm yên. (Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của viện Sử học, NXB Sử học, Hà Nội 1962 tập I trang 122).

Cũng từ đó sử Chân Lạp và sử Việt không nói gì đến Thái hậu Ang Cuv, tức công chúa Ngọc Vạn nữa. Có lẽ thời gian này, bà cũng đã vào khoảng 70 tuổi, già yếu, hoặc có thể đã qua đời.

Công chúa Ngọc Vạn và vùng đất Nam Bộ: Cái chết của Thái hậu Ang Cuv - Ảnh 2.

Kinh đô cũ của Cao Miên - Tranh khắc của Élisabeth Haussard, khoảng năm 1724 - 1726 - Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

TƯ LIỆU CỦA NGUYỄN QUANG DIỆU

Có nguồn tin nói bà thấy cảnh chém giết lẫn nhau trong nội bộ hoàng gia Chân Lạp, trái với tinh thần hiếu sinh của Phật giáo, con bà cũng đã chết, bà chán cảnh trần tục, dời qua vùng Đồng Nai, nơi có nhiều lưu dân người Việt sinh sống, lập ngôi chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan (Biên Hòa) tu hành đến cuối đời, sau khi đã đem hết tâm huyết phụng sự dòng họ, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc.

Năm 1989 tại Đồng Nai, người ta phát hiện di tích ngôi chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, thị xã Vĩnh An. Ngôi chùa đã bị thiêu hủy năm 1946 trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng 2 bên phía trước nền chùa vẫn còn 2 ngôi tháp, một bên là Bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, bên kia là tháp Phổ Đồng.

Tháp của Tổ sư còn nguyên vẹn, tấm bia còn rõ nét chữ, ghi Tổ sư mất năm 1728, tháp xây năm 1729. Còn tháp Phổ Đồng thì đã hư hại nhiều, tấm bia mất hết chữ, không đọc được. Nhưng theo truyền thuyết thì tháp Phổ Đồng do Tổ sư Nguyên Thiều xây dựng để thờ bà công chúa Ngọc Vạn, các tướng sĩ và nhân dân Việt Nam đã có công hộ trì, phát triển Phật giáo ở xứ Đồng Nai - Gia Định.

Nếu đúng tháp Phổ Đồng được xây lên để thờ công chúa Ngọc Vạn thì đúng là vào cuối đời, công chúa đã về sống với đồng bào ở Đồng Nai và gửi nắm xương tàn tại đây. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.