Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về đề xuất cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là công chức) làm việc tại nhà, Sở Nội vụ TP.HCM đã giải đáp lý do và cách thức thực hiện.
THÍ ĐIỂM TỶ LỆ PHÙ HỢP
Ông Nguyễn Sĩ Long, Phó trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết đề xuất nằm trong dự thảo Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 do Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì thực hiện, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2023.
Theo ông Long, việc nghiên cứu thí điểm cho phép công chức làm việc tại nhà ở một số vị trí không tiếp xúc với người dân là phù hợp với thực tiễn. Trong đó, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công. Các định hướng về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại mà TP.HCM đang thực hiện phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông Long dẫn chứng trong giai đoạn giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, công chức đã thích ứng nhanh với phương thức làm việc trực tuyến, nhận hồ sơ và xử lý văn bản trên môi trường mạng. Do đó, công chức làm việc ở các vị trí không tiếp xúc, không thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, TP.HCM đang đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến nên việc cho phép một số công chức làm việc ngoài công sở sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết hồ sơ. Đối với công chức, khi làm việc linh hoạt sẽ giúp họ có thêm động lực cống hiến, sáng tạo và có thêm điều kiện chăm sóc gia đình.
Nêu một số nguyên tắc thí điểm, ông Long cho biết TP.HCM sẽ lựa chọn một số cơ quan, đơn vị tham gia. Các cơ quan, đơn vị này tiếp tục lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và vị trí việc làm cụ thể để thí điểm. Sau đó, TP.HCM đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện và những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp so với trước khi thí điểm rồi mới cân nhắc mở rộng phạm vi.
Trước mắt, TP.HCM chỉ thí điểm các vị trí việc làm không liên quan đến giải quyết TTHC. Khối lượng công việc giao cho công chức làm việc tại nhà tương đương như làm việc tại công sở. Công chức phải cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc được phân công. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ, đánh giá công chức theo kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch. "Việc thí điểm làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn cho mô hình làm việc tại công sở", ông Long thông tin.
Những cán bộ nào ở TP.HCM được thí điểm làm việc tại nhà?
HẠ TẦNG ĐỦ ĐỂ LÀM VIỆC TỪ XA
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng có thể cho công chức đăng ký làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp. Các vị trí này có thể là những nhân viên, chuyên viên, những người chỉ xử lý công việc chứ không ban hành quyết định. Dù vậy, việc cho phép làm việc tại nhà cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo trách nhiệm và tuân thủ kỷ luật của công chức.
TS Thắng đề xuất có thể áp dụng các biện pháp như xây dựng kế hoạch công việc rõ ràng và theo dõi tiến độ thường xuyên, sử dụng phần mềm quản lý công việc và giao tiếp trực tuyến, thiết lập tiêu chí đánh giá hiệu suất làm việc, thực hiện kiểm tra và giám sát ngẫu nhiên.
Chuyên gia này đánh giá làm việc tại nhà giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính linh hoạt nhưng lại làm giảm thiểu sự giao tiếp, hợp tác và đánh giá công chức trong một đơn vị. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả làm việc tại nhà của công chức cần căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định rõ ràng trong luật Cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn.
Tương tự, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cũng đồng tình với đề xuất thí điểm một số lĩnh vực cho công chức làm việc tại nhà, đồng thời học tập kinh nghiệm triển khai thực tế tại một số nước để hoàn thiện dần phương thức làm việc này. Bởi lẽ, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.HCM đang được nâng cấp, cùng với cải thiện quy trình, đơn giản hóa thủ tục thì sẽ kiểm soát được chất lượng, hiệu quả của cán bộ, công chức làm việc tại nhà.
Bên cạnh đó, hạ tầng số dùng chung của TP.HCM bao gồm lưu trữ và kết nối đã đáp ứng cho điều kiện làm việc từ xa. Cán bộ, công chức chỉ cần tập huấn thêm một số kỹ năng để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống dùng chung khi làm việc tại nhà, cũng như các điều kiện về internet, chữ ký số…
CHẤM ĐIỂM CÔNG CHỨC
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, qua khảo sát tại một số cơ quan hành chính, lãnh đạo đơn vị khá băn khoăn về tính hiệu quả của việc thí điểm này. Chủ tịch một quận khu vực trung tâm phân tích thước đo hiệu quả của công chức là giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp theo thời gian quy định. Công chức giải quyết nhanh hay chậm được thể hiện rõ, được định lượng bằng mốc thời gian cụ thể. Thế nhưng, dự thảo đề án đề xuất chưa áp dụng với những vị trí này. Đối với công chức làm vị trí tham mưu, báo cáo thường đánh giá kết quả định tính chứ không thể lượng hóa 3 ngày, 5 ngày phải xong. Do vậy, những vị trí này phải làm việc tại trụ sở để giám sát tiến độ, hiệu quả công việc được giao.
Còn lãnh đạo một xã ở ngoại thành thì nói rằng chưa dám nghĩ tới chuyện cho công chức làm việc ở nhà bởi với số biên chế được giao, công chức làm tại trụ sở còn chưa xong việc. Số lượng công chức cấp xã được giao khoảng 15 biên chế nhưng bộ phận một cửa phải có 3 - 4 người túc trực để tiếp nhận hồ sơ của người dân, số lượng còn lại phải xử lý hồ sơ. Vị này cũng băn khoăn về việc người làm việc ở nhà thì phối hợp với người làm việc ở cơ quan ra sao, thời gian làm việc linh hoạt hay cố định 8 giờ/ngày...
Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Thị Trung Trinh nhận định có thể thí điểm vị trí chuyên viên xử lý hồ sơ là các TTHC của người dân và doanh nghiệp đã đưa lên cổng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ toàn trình. Với loại hồ sơ này, toàn bộ các bước từ nộp hồ sơ của người dân, doanh nghiệp đến chuyên viên và cán bộ xử lý đều thao tác trên môi trường điện tử. Quá trình giải quyết hồ sơ được công khai để người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo giám sát, quản lý. Ngoài việc giám sát tiến độ, người dân, doanh nghiệp còn có thể "chấm điểm" chất lượng giải quyết hồ sơ, đánh giá sự hài lòng chất lượng cung cấp dịch vụ công của cán bộ, công chức.
Xây dựng nền hành chính phục vụ, kiến tạo
Trong buổi trao đổi với báo chí mới đây về Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết mục đích hướng đến là nền công vụ phục vụ, kiến tạo. Cụ thể, quy trình công vụ sẽ được chuẩn hóa để thông suốt, rõ ràng, dễ giám sát. Tổ chức bộ máy theo hướng 1 công việc
1 cơ quan, 1 người phụ trách, không chồng chéo. Sự phối hợp giữa các cơ quan cần quy chế rõ ràng về thời gian, trách nhiệm.
Về đội ngũ, có nhiều ý tưởng mới sẽ được nghiên cứu. Ngoài quy định chung, TP.HCM sẽ có cơ chế tuyển dụng người có năng lực, thi tuyển chức danh chuyên môn, chức danh lãnh đạo cấp phòng, cấp sở.
Sau khi tuyển dụng, TP.HCM sẽ tập trung đào tạo chuyên sâu và bồi dưỡng theo chức danh như công chức phường phải biết làm gì, chủ tịch phường phải biết làm gì, chuyên viên cấp phòng, lãnh đạo phòng ban đến lãnh đạo quận, huyện, sở ngành. "Singapore có trường hành chính công chuyên đào tạo cho công chức biết sứ mạng của đất nước là gì, nhiệm vụ của giai đoạn tới và cán bộ ở từng vị trí cần phải làm gì", ông Mãi nói.
Bảo vệ bí mật nhà nước khi thuê dịch vụ bên ngoài
Trong dự thảo đề án, TP.HCM cũng tính toán đến cơ chế sử dụng dịch vụ thuê ngoài và thuê nhân sự quản lý. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là hướng tiếp cận phù hợp nhằm giảm tải cho công chức với những công việc đơn giản, không cần chuyên môn như nhập liệu, tổng đài chăm sóc khách hàng, tư vấn, trực đường dây nóng…
TS Trần Quang Thắng nhận định việc thuê ngoài mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan hành chính nhưng cũng cần cân nhắc kỹ các điều kiện, mục tiêu, rủi ro và hệ quả của việc này. Theo ông, cơ quan hành chính có thể áp dụng đối với một số trường hợp như cần tăng cường nhân sự trong thời gian ngắn, các dự án đặc biệt hoặc dịch vụ chuyên môn cao, công nghệ mới mà cơ quan không có khả năng tự xây dựng, phát triển, duy trì.
Tuy nhiên, TS Thắng cũng lo ngại việc thuê ngoài có thể gây mất kiểm soát, giảm chất lượng và hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền lợi và tình cảm của công chức đang làm việc. Điều này đòi hỏi cơ quan hành chính phải có cơ chế giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả công việc của bên thuê ngoài. Chưa kể, việc thuê dịch vụ bên ngoài cũng có thể gây nguy cơ tiết lộ bí mật nhà nước hoặc thông tin nhạy cảm nên cần có các biện pháp bảo vệ.
Bình luận (0)