Trong dự thảo có đề xuất công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) bằng cách sử dụng họ tên, hình ảnh thật của cá nhân và công khai cơ quan đang công tác.
Nhiều ràng buộc cho cán bộ, công chức, viên chức
|
Mặt trái của MXH luôn tồn tại và không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước. Việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên MXH, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thông tin và truyền thông, đơn vị chủ trì xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên MXH, bộ quy tắc không phải là một văn bản pháp quy do cơ quan nhà nước ban hành. Trong dự thảo, các quy tắc ứng xử trên MXH được chia thành các quy định “nên”, “phải” và “không được”, áp dụng tùy với từng đối tượng là nhà cung cấp dịch vụ MXH, cơ quan nhà nước sử dụng MXH, tổ chức sử dụng dịch vụ MXH, người dân sử dụng MXH và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước dùng MXH.
tin liên quan
Cần bộ quy tắc cho công chức tương tác với người dân trên không gian mạngCụ thể, với người sử dụng MXH là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, với tiêu chí “phải”, bộ quy tắc đề xuất phải công khai sự xuất hiện trên MXH bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác. Đồng thời, phải thực hiện ứng xử trên MXH về các vấn đề chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản. Trong đó, phải thông báo rõ ràng về việc các ứng xử trên MXH là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản.
Về những hành vi “không được”, bộ quy tắc đề xuất công chức, viên chức, người lao động không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên MXH; không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên MXH; không được ứng xử trên MXH trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.
Với người dân sử dụng MXH, bộ quy tắc chỉ yêu cầu tiêu chí “nên”, như: nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ những thông tin tích cực; dùng MXH có văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực...
Cần phân định rõ tư cách cá nhân - công chức
Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội, có vẻ như dự thảo các quy tắc đang làm mờ khái niệm “cá nhân - công chức”. Nếu nhập làm một sẽ rất khó cho cán bộ công chức, viên chức sử dụng MXH vì họ vẫn được sử dụng MXH với tư cách cá nhân.
“Công chức hay người dân bình thường cũng đều phải chịu trách nhiệm cá nhân với ứng xử trên MXH. Nếu phát ngôn thô tục sẽ bị người khác và cả “cảnh sát mạng” phản ứng; nếu đưa thông tin nội bộ của cơ quan, bí mật công việc sẽ bị xử lý theo luật Công chức. Nếu đưa thông tin kích động, phản động sẽ bị xử lý theo pháp luật”, TS Hồng lập luận và cho rằng: “Mỗi người có nhiều vai trò khác nhau: đi làm là công chức nhà nước phải tuân thủ quy định cơ quan; về nhà là công dân bình thường thì phải cư xử theo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Việc phát ngôn, hành xử của công chức đã có quy định rõ trong những quy tắc liên quan đến công chức, không nên đưa thêm ra nhiều quy định”.
Cùng quan điểm, TS Trịnh Hòa Bình, nhà xã hội học, cho rằng quy tắc chỉ đưa ra những điều không được làm, không nên đưa ra yêu cầu “phải làm”, bởi những điều “phải làm” đã có trong quy chế tuyển dụng cán bộ, viên chức. “Người trong hệ thống nhà nước phải đáp ứng những tiêu chí riêng khi vào cơ quan, vào ngành, nhưng trên MXH đều bình đẳng và chịu trách nhiệm cá nhân với những phát ngôn, ứng xử của mình. Còn việc công chức được nói gì, không được nói gì thì nên cập nhật, quy định thêm trong luật Cán bộ công chức”, TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, trước đây MXH như Facebook đã yêu cầu công khai danh tính thật, nhưng sau đó đã nới lỏng dần. Việc đưa tên thật, ảnh thật hay công khai cơ quan công tác là quyền của mỗi người, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Theo TS Khuất Thu Hồng, bộ quy tắc là văn bản dưới luật, nghị định, không có tính ràng buộc về pháp lý. “Từng hành vi như phát tán tài liệu xấu, chống đối chế độ hay phát tán tài liệu nội bộ cơ quan cũng đều đã có điều khoản xử phạt cụ thể trong các luật khác… Bộ quy tắc không đưa ra các chế tài xử lý cụ thể thì sẽ thực hiện thế nào? Nếu công chức không đưa ảnh, tên thật hay cơ quan công tác thì ai xử phạt, mức phạt ra sao?”, TS Hồng nói và cho rằng nên xem lại sự cần thiết của bộ quy tắc, thay vào đó có thể bổ sung các quy định trong các luật quản lý chuyên ngành khác
|
Bình luận (0)