Công chứng viên không quá 70 tuổi: Nâng cao chất lượng hay lãng phí nguồn lực?

17/06/2024 08:31 GMT+7

Nhiều ý kiến ủng hộ việc giới hạn độ tuổi công chứng viên không quá 70, để nâng cao chất lượng đội ngũ này. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng như vậy sẽ lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngày 17.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật Công chứng sửa đổi. Luật này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Công chứng viên không quá 70 tuổi: Nâng cao chất lượng hay lãng phí nguồn lực?- Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

GIA HÂN

Đề xuất công chứng viên không quá 70 tuổi

So với luật Công chứng hiện hành, dự thảo luật Công chứng sửa đổi đề xuất nhiều quy định mới, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên cũng như hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.

Trong số này, dự thảo đề xuất độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên là không quá 70 (luật hiện hành không quy định - PV). Theo Chính phủ, quy định về độ tuổi hành nghề sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên.

Đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề, dự thảo quy định được tiếp tục hành nghề trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày luật mới có hiệu lực thi hành.

Riêng công chứng viên từ 68 - 70 tuổi tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành thì được hành nghề đến khi tròn 72 tuổi.

Quy định chuyển tiếp như trên sẽ tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên, bảo đảm có thời gian để bổ nhiệm thay thế số lượng công chứng viên quá tuổi.

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên như trong dự thảo.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, công chứng viên cao tuổi sẽ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Dự thảo luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của y học hiện nay, nhóm ý kiến này đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70.

Công chứng viên không quá 70 tuổi: Nâng cao chất lượng hay lãng phí nguồn lực?- Ảnh 2.

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi đề xuất giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là không quá 70 tuổi

T.N

Cắt giảm giấy tờ bổ nhiệm, kiểm soát chất lượng thế nào?

Luật Công chứng hiện hành quy định một trong các điều kiện bổ nhiệm công chứng viên là phải có 5 năm công tác pháp luật. Tại dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất rút xuống còn 3 năm.

Dự thảo luật cũng cắt giảm 4 loại giấy tờ liên quan đến thủ tục bổ nhiệm công chứng viên, gồm: giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề, giấy chứng nhận đạt kết quả kiểm tra tập sự, bằng cử nhân luật và phiếu lý lịch tư pháp.

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc giảm tải thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính về bổ nhiệm công chứng viên.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, các loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên là nhằm xác nhận đáp ứng yêu cầu về nội dung, điều kiện bổ nhiệm. Nếu cắt giảm 4 giấy tờ như trong dự thảo, việc kiểm soát điều kiện bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện thông qua phương pháp nào?

Có 2 phương pháp. Thứ nhất là tiền kiểm, tức là khai thác thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, vậy sau khi luật mới có hiệu lực thì các điều kiện khai thác dữ liệu đã bảo đảm chưa? Chưa kể, thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ liệu có đủ để sở tư pháp xác minh toàn bộ các thông tin về trình độ, tập sự, lý lịch tư pháp… của người đề nghị bổ nhiệm?

Thứ hai là hậu kiểm, tức là thông qua bản khai thông tin và cam kết của người đề nghị bổ nhiệm, việc kiểm tra được tiến hành theo quy định về thanh tra, kiểm tra sau khi đã bổ nhiệm.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có sự đánh giá ưu điểm, hạn chế và lý do lựa chọn từng phương pháp nêu trên, để có đủ cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc giảm thời gian công tác pháp luật từ 5 năm xuống 3 năm là chưa phù hợp với định hướng và chủ trương về việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên.

Nhóm ý kiến này đề nghị giữ quy định về thời gian công tác pháp luật là 5 năm như luật hiện hành để xem xét, bổ nhiệm công chứng viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.