Tôi mua đất của một người quen cùng xã với giá 500 triệu đồng. Cả hai đã đi làm thủ tục công chứng, vì tin tưởng người bán nên tôi đưa toàn bộ giấy tờ hồ sơ để họ đi làm thủ tục sang tên cho tôi.
Một thời gian sau, tôi phát hiện chủ đất lại tiếp tục bán cho một người khác với giá 600 triệu đồng. Họ cũng đã ra công chứng tại một văn phòng công chứng khác và đã hoàn tất sang tên chủ sở hữu mới.
Tại sao khi bán đất trước đó cho tôi đã qua công chứng tại một văn phòng công chứng A, nhưng không hiểu lý do vì sao mà văn phòng công chứng B họ vẫn công chứng bán cho người khác? Nghĩa là mua bán qua công chứng vẫn chưa chắc đã yên tâm? Pháp luật quy định sao về thủ tục công chứng để đảm bảo an toàn cho người mua? Việc văn phòng công chứng B vẫn làm thủ tục công chứng cho chủ đất và người thứ 3 mua đất thì có vi phạm pháp luật không?
Tôi rất bức xúc về việc làm này nên đã đến nhà đòi lại đất nhưng chủ đất không hợp tác. Giờ tôi phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình?
Bạn đọc Yến Hoa.
Luật sư tư vấn
Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) tư vấn, bạn có sự chủ quan khi là người mua, nhưng toàn bộ hồ sơ mua bán, bao gồm cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vẫn để cho bên bán giữ. Việc làm này là vô cùng rủi ro.
Trên thực tế, đối với các giao dịch này, trong hợp đồng mua bán các bên thường thoả thuận bên mua sẽ là bên giữ sổ đỏ và toàn bộ hồ sơ để thực hiện việc sang tên. Đồng thời, nhằm tránh rủi ro có thể phát sinh trong quá trình sang tên, người mua thường giữ lại khoảng 5% giá trị hợp đồng chưa thanh toán. Chỉ khi nào hoàn thành xong thủ tục sang tên bên mua, thì bên mua mới thanh toán số tiền 5% còn lại.
Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng, hoặc chứng thực theo khoản 3 điều 167 luật Đất đai. Khi thực hiện việc công chứng, công chứng viên phải tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng, bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản, và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng (khoản 1 điều 62 luật Công chứng).
Nếu văn phòng công chứng A làm đúng quy trình trên, mà văn phòng công chứng B vẫn tiếp tục công chứng để giúp cho chủ đất có cơ hội bán tiếp cho người thứ 3 thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Còn việc chủ đất bán một thửa đất cho nhiều người đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, bạn và những người mua sau thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì hoàn toàn có thể tố cáo chủ đất ra công an. Khi đó, công an sẽ xem xét luôn vai trò và trách nhiệm của hai văn phòng công chứng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn khởi kiện chủ đất ra tòa, đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng của văn phòng công chứng B là vô hiệu theo điều 52 luật Công chứng, và hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho người thứ 3. Đồng thời, bạn yêu cầu tòa xác định hợp đồng chuyển nhượng giữa bạn với chủ đất có hiệu lực, bạn được quyền liên hệ cơ quan chức năng để được cấp sổ đỏ.
Bình luận (0)