Cha đẻ của sách này, PGS-TS Đỗ Văn Ninh (1931 - 2011), nguyên Viện phó Viện Sử học. Ông được gọi là một người “kiêu hùng” trong khoa học. Ông cũng là tác giả của những công trình đóng đinh vào khoa học như: Tìm lại dấu vết Vân Đồn lịch sử (tập 1 - 2); Huyện đảo Vân Đồn; Thành cổ Việt Nam; Tiền cổ Việt Nam; Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội.
Từ điển chức quan Việt Nam được xuất bản lần đầu tiên năm 2002. Đó là kết quả khảo cứu, biên soạn sau 3 năm của Đỗ Văn Ninh. Trước đó, chưa có sách nào khảo cứu về quan chức ở VN đủ cho người đọc biết rõ ràng về nguồn gốc, chức quyền, địa vị và sự thay đổi của các chức quan trong lịch sử. Trong lịch sử nước ta, mỗi triều đại thay đổi, có những chức quan mới được đặt thêm, cùng với đó là những chức quan cũ bị bãi bỏ. Khi đọc lịch sử VN, việc lý giải nguồn gốc và vai trò của các chức quan luôn được công chúng quan tâm và tìm hiểu. Từ điển chức quan Việt Nam đã giúp chúng ta phần nào nỗi khó khăn này. Với gần 2.000 mục từ, được tác giả sắp xếp theo vần chữ cái, để giúp bạn đọc dễ dàng tra cứu theo lối từ điển.
Không chỉ định nghĩa nội hàm, tác giả còn làm rõ nguồn gốc lịch sử, địa vị, quyền hạn của các chức quan thông qua đối chiếu giữa các triều đại khác nhau. Đỗ Văn Ninh đã giải nghĩa các chức quan dựa trên cả hai trục đồng đại và lịch đại. Ông cũng tham khảo, đối chiếu lịch sử quan chế VN với lịch sử quan chế Trung Quốc để từ đó giúp bạn đọc hình dung được sự vận động và đặc điểm của các chức quan, tránh sự bối rối hoặc nhầm lẫn khi đọc sách sử học.
Tất nhiên, một mình tác giả và nội dung cuốn sách chưa thể đầy đủ hết tất cả chức quan VN song bước đầu, đây là cuốn từ điển có ích để chờ đợi những những nhà nghiên cứu lớp sau sẽ bổ sung thêm.
Đỗ Văn Ninh quê xã Chính Nghĩa, H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhưng sinh tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp ngành khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1966. Từ năm 1966 đến 1985, Đỗ Văn Ninh công tác tại Viện Khảo cổ học, từng làm Phó tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Khảo cổ học. Từ năm 1985 đến 1999 ông công tác tại Viện Sử học, làm Viện phó Viện Sử học trước khi nghỉ hưu.
|
Bình luận (0)