Cộng đồng trách nhiệm đôi bên

15/08/2022 05:10 GMT+7

Cụm từ 'thỏa ước lao động tập thể' đã được quy định từ rất lâu, cụ thể là Nghị định 18 của Chính phủ năm 1992.

Về cơ bản, nó là thỏa thuận bằng văn bản giữa người sử dụng lao động và người lao động (ở đơn vị công lập sẽ thể hiện bằng Nghị quyết Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động).

Điểm nổi bật của thỏa ước tập thể chính là mang tính cộng đồng cũng như cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết khi tranh chấp lao động giữa hai bên xảy ra. Ngoài ra, các nội dung thỏa thuận sẽ chú ý nâng cao quyền lợi của người lao động, nhất là về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, thưởng; cải thiện điều kiện làm việc; chế độ đối với lao động nữ...

Dẫu vậy, thực tế các chủ thể tham gia, gồm người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện cho người lao động (hiện nay là tổ chức công đoàn), nhiều khi vẫn chưa quan tâm việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Liên đoàn Lao động TP.HCM mới đây có văn bản đề nghị các cấp công đoàn tăng cường giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu công tác thỏa ước lao động tập thể nhiệm kỳ 2018 - 2023. Bởi tới nay mới chỉ có 9.851 bản thỏa ước trên tổng số 17.311 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trên địa bàn TP.HCM (đạt tỷ lệ 56,9%). Chưa kể, các bản đã ký kết chủ yếu xếp ở loại D (tỷ lệ 32,7%) và loại C (tỷ lệ 41,2%); còn loại B chỉ chiếm 16,8% và loại A chiếm tỷ lệ 9,1%. Các xếp loại từ D đến A biểu hiện cho việc điểm chuẩn tăng dần và có lợi hơn cho người lao động ở điều khoản tiền lương, thưởng, phụ cấp nâng lương; bữa ăn giữa ca, tham quan nghỉ mát, trợ cấp khó khăn, hiếu hỷ, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo, tạo điều kiện để người lao động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.

Thống kê trên cho thấy số lượng, chất lượng các bản thỏa ước chưa đạt, chưa đi thẳng vào các nhu cầu lương, thưởng của người lao động. Nguyên nhân nằm nhiều ở phía người sử dụng lao động, tức doanh nghiệp, thường có tâm lý xem đây là một hình thức “chèn ép” mình. Thực tế, thỏa ước lao động tập thể nếu xây dựng đúng, dựa trên nguyên tắc đối thoại và đồng thuận, sẽ tạo được cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích chung giữa hai bên. Doanh nghiệp khi đó cũng sẽ được bảo vệ khỏi những đòi hỏi hoặc yêu sách cá nhân, đơn phương trong đơn vị, mang tới môi trường ổn định và phát triển bền vững hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.