ĐBSCL lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Chia sẻ tại hội nghị đánh giá về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL do Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã nêu thực trạng đáng lo ngại về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở khu vực này.
Dẫn thống kê của Cục BVTV, ông Trung cho biết, các tỉnh ĐBSCL hiện có 343 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm. Trong đó, số lượng cơ sở sản xuất phân bón vô cơ chiếm tỷ lệ áp đảo với 241 cơ sở, công suất 5.06 triệu tấn. Sản lượng phân bón hữu cơ chỉ đạt trên 749,6 triệu tấn/năm.
ĐBSCL cũng là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước. Theo tính toán, lượng phân bón sử dụng bình quân cho 1 ha ở khu vực này là 1.071 kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước.
Đáng lưu ý, về cơ cấu sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ ở mức chênh lệch rất cao. Nếu tính trên 1 ha, nông dân ĐBSCL sử dụng 754 kg phân bón, cao hơn so với 35% so với mặt chung cả nước là 560 kg. Còn tỷ lệ phân bón hữu cơ, ĐBSCL sử dụng chỉ đạt 392 kg/ha, chỉ bằng 27,3% so với mức bình quân cả nước là 1,4 tấn/ha.
Cũng theo ông Hoàng Trung, các tỉnh ĐBCSL hiện có số cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực nhiều nhất cả nước với 10.541 cơ sở, chiếm 32,91% so với cả nước (khoảng 32.032 cơ sở). Đặc biệt, số lượng thuốc BVTV đã sử dụng ở ĐBSCL trong năm 2020 là 28.520 tấn, chiếm gần 55% so với cả nước.
“Nếu tính bình quân 1 ha gieo trồng ở ĐBSCL hiện đang sử dụng 6,27 kg thuốc BVTV, cao hơn 64,5 % so với mức trung bình cả nước”, ông Trung nói.
Xây dựng nền nông nghiệp minh bạch
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng trực trạng lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV là nguy cơ lớn trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản khu vực này.
Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, nông dân hiện đang sử dụng phân bón theo cảm tính, không bón theo liều lượng, nhu cầu cây trồng nên lượng sử dụng ở mức rất cao. Nhu cầu sử dụng phân bón quá cao này là thị trường béo bở cho sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho rằng nông dân vẫn còn thói quen sử dụng tùy tiện các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV không theo các hướng dẫn, khuyến cáo, đặc biệt là việc phun ngừa các loại thuốc BVTV ở nhiều nơi đã làm tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phải công khai việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật để xây dựng nền nông nghiệp minh bạch |
CTV |
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, các tỉnh phía bắc và bắc Trung bộ sử dụng rất nhiều phân bón hữu cơ vi sinh nhưng ở nam Trung bộ và ĐBSCL thì lượng sử dụng còn hạn chế. Các doanh nghiệp sản xuất được rất nhiều phân hữu cơ nhưng đầu ra, tiêu thụ vẫn chưa được như mong muốn. Ông Lam đề xuất cần có lộ trình, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở ĐBSCL để giảm việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, tư duy sản xuất nông nghiệp chạy theo sản lượng, năng suất là nguyên nhân dẫn tới việc làm dụng sử dụng lượng lớn phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL. Nhưng nếu hạch toán giữa sản lượng và chi phí thì nông dân chưa chắc được hưởng lợi nhuận cao, trong khi đối mặt nhiều nguy cơ, rủi ro về sức khỏe, tổn hại đến môi trường.
Bên cạnh đó, 70% nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp của nước ta lệ thuộc vào nước ngoài. Ngay trong dịch Covid-19 hiện nay cho thấy, nhiều vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón vô cơ, cũng bị lệ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài. Trong khi đó, ở trong nước, doanh nghiệp đã sản xuất được nhiều loại phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học có thể thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật.
Vẫn theo ông Hoan, từ thực trạng của ĐBSCL hiện nay, mục tiêu chúng ta hướng tới là một nền nông nghiệp minh bạch và bền vững. Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL lâu nay là tư duy sản xuất hàng hóa lớn chạy theo số lượng. Nhưng trong giai đoạn hiện nay phải là tư duy kinh tế, đi vào chất lượng và giá trị nông sản.
Ông Hoan nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp phải công khai, sáng tỏ từ việc sử dụng phân, thuốc BVTV để xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, không để ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng và đây là trách nhiệm của nông dân, người sản xuất với người tiêu dùng, cộng đồng xã hội. Theo đó, Bộ NN-PTNT luôn khuyến khích nông dân giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV để giảm chi phí sản xuất, cho ra những sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
“Bộ NN-PTNT sẽ có kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất chế phẩm sinh học dựa trên nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp trong nước, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là đầu vào cho nền nông nghiệp", ông Hoan nói.
Bình luận (0)