Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) đang yêu cầu Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook đang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trước đó, Hệ thống Cảnh báo nhanh của châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) đã thông báo về việc một số lô mì ăn liền từ Acecook Việt Nam bị thu hồi do có chất Ethylene Oxide. Chất này bị cấm dùng trong thực phẩm bán tại châu Âu, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Acecook khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web của Cơ quan Quản lý thực phẩm Ireland là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.
Chất Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.
Chất Ethylene Oxide không được phép có trong mì gói
Phân tích thêm về khía cạnh pháp lý xung quanh sự kiện trên, luật sư Lê Trung Phát (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay, nếu đối chiếu với quy định liên quan đến việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm chúng ta thấy quy định rõ nhất là trong Thông tư 50/2016/TT-BYT.
Theo phụ lục đính kèm của thông tư, đã liệt kê chi tiết các thực phẩm và dư lượng cho phép, phần lớn trong danh sách này là các loại nông sản. Sự cho phép này được tính toán dựa trên lượng ăn hằng ngày được chấp nhận trong suốt cuộc đời của người tiêu dùng mà nó không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng chính trong Thông tư 50/2016/TT-BYT lại giải thích rằng, việc tồn dư này xuất phát từ thực phẩm do sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc do một nguồn không xác định.
"Như vậy, có nghĩa là ngoài các danh mục được liệt kê tại phụ lục đính kèm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT thì tất cả các thực phẩm khác sẽ không được có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (trong đó có mì gói)", LS Phát nhấn mạnh.
Theo LS Lê Trung Phát, nhà làm luật không ban hành danh mục cấm mà chỉ ban hành danh mục được phép tồn tại. Suy luận ra, những gì không được cho phép theo danh mục tại Thông tư 50/2016/TT-BYT thì được xem là vi phạm.
Bên cạnh đó, LS Phát cho hay, một điều đáng lưu ý, tại Điều 1 của Thông tư 50/2016/TT-BYT quy định về “phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng” nêu rằng “...đối với thực phẩm được sản xuất trong nước, nhập khẩu”. Điều đó có nghĩa rằng, dù đơn vị sản xuất có lý giải rằng hàng hóa này không tiêu thụ tại Việt Nam nhưng nó được sản xuất ở Việt Nam nên vẫn phải chịu sự điều chỉnh.
Cần làm rõ để thông tin cho người tiêu dùng
Từ những quy định trên, để làm rõ Acecook có vi phạm hay không, LS Lê Trung Phát cho rằng Bộ Công Thương cần tiến hành xác minh trong quá trình sản xuất, Acecook có sử dụng chất Ethylene Oxide hay không.
Theo LS Phát, từ việc xác định này, sẽ áp theo quy định của pháp luật để xử lý.
Cụ thể, nếu Acecook không sử dụng chất Ethylene Oxide trong quá trình sản xuất sản phẩm, mà việc tồn dư này chỉ xuất phát từ nguyên liệu chế biến thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2018 trong lĩnh vực về an toàn thực phẩm. Do sử dụng nguồn nguyên liệu có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp.
Trong trường hợp Acecook đã sử dụng Ethylene Oxide vào quá trình chế biến sản phẩm, dẫn đến sản phẩm đang dùng có chất đó thì hành vi này có thể bị xử phạt VPHC theo Điều 6 của Nghị định 115/2018 hoặc bị khởi tố vụ án hình sự.
Theo LS Lê Trung Phát, việc xử phạt vi phạm hành chính hay có thể bị khởi tố vụ án hình sự, tùy thuộc vào việc cơ quan chức năng xác định được số lượng hàng hóa đã sản xuất, từ đó tính ra được sản phẩm sản xuất trị giá bao nhiêu tiền.
"Đây là những việc làm cần thiết mà Bộ Công Thương cần tiến hành ngay, để kịp thời thông tin cho người tiêu dùng biết. Nó không chỉ giúp minh bạch hóa thông tin sản phẩm, xử lý nghiêm đơn vị sản xuất nếu có vi phạm, mà còn góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", LS Phát chia sẻ.
Chiều qua (28.8), Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, cho biết Acecook cam kết các sản phẩm lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam cũng như an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Về chất Ethylene Oxide, ông Junicho nói chất này được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư, dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe, diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau sấy. Việc này được một số quốc gia chấp nhận như Mỹ và Canada.
Ông Kajiwara Junichi khẳng định Công ty tuyệt đối tuân thủ quy định của Việt Nam, châu Âu, Nhật, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác về việc không sử dụng chất này trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu, sản xuất, lưu trữ.
|
Bình luận (0)