Sáng 27.8, một số thông tin dẫn nguồn từ Hệ thống Cảnh báo Nhanh của châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) mới thông báo về việc một số lô mì ăn liền từ Acecook Việt Nam bị thu hồi do có sử dụng Pesticide Ethylene Oxide. Chất này bị cấm dùng trong thực phẩm bán tại châu Âu, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Liên hệ với Công ty Acecook Việt Nam, cuối ngày 27.8, công ty này phản hồi với Báo Thanh Niên như sau: Sự việc được nêu ra tại trang web của Cơ quan Quản lý thực phẩm Ireland. Chúng tôi khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web này là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Hiện chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của họ. Chúng tôi đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam.
Trước đó vào cuối năm 2020, Hàn Quốc cũng thu hồi một số phở đóng gói của Công ty CP Acecook Việt Nam vì được cho là có chứa hàm lượng benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu có trong sản phẩm. Acecook Việt Nam đã phản hồi đó là những sản phẩm phở ăn liền Peacock được gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc. Đây là sản phẩm xuất khẩu không lưu hành tại thị trường Việt Nam.
Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), sự tác động của Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ mì gói của người dân toàn cầu tăng mạnh. So với năm 2019, nhu cầu của người dùng trong năm 2020 đã tăng 14,79%. Thống kê của WINA cho thấy sức tiêu thụ mặt hàng này tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện khu vực này chiếm 56,45% tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu năm 2020. Ngoài ra, với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, khu vực Đông Nam Á đang chiếm 25,24% nhu về mì ăn liền. Riêng thị trường Việt Nam trong năm vừa qua đã tiêu thụ khoảng 7,03 tỉ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc/Hồng Kông và Indonesia.
Còn theo khảo sát mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền nội địa đã tăng 67%. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, riêng Acecook Việt Nam sản xuất khoảng 2,5 tỉ gói mì/năm, trong đó 10% sản phẩm dành cho thị trường xuẩt khẩu.
Bình luận (0)