Bơm nước
Rạng sáng 4.6, tổ công tác của Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau kiểm tra lò mổ của ông Nguyễn Quốc Tuấn (ấp Tân Bữu, xã Tân Hưng Đông, H.Cái Nước, Cà Mau) và bắt quả tang lò này đang tổ chức bơm nước vào heo trước khi mổ. Tại hiện trường, 2 con heo được khớp miệng treo lên, thùng nước phía trên đặt ống dẫn nước bơm thẳng vào heo. Trong khi đó, ông Tuấn chỉ đăng ký bán thịt heo, không đăng ký giết mổ. Nhưng lực lượng kiểm tra cũng chỉ xử phạt hành chính ông Tuấn 6,5 triệu đồng vì 2 lỗi nghiêm trọng là cố tình bơm nước vào heo trước khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh và không đủ điều kiện vệ sinh thú y để giết mổ động vật.
|
|
Trước đó, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cũng đã 3 lần kiểm tra, phát hiện cơ sở giết mổ của ông Lữ Văn Triều (ấp 9, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) bơm nước vào heo. Trung bình cơ sở này giết mổ hơn 20 con heo thịt/ngày. Tại HTX giết mổ Đồng Phát, ông Lê Huỳnh Ly (ấp 3, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) cũng bị bắt quả tang khi tổ chức bơm nước vào heo. Tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN-PT-NT tỉnh Cà Mau phát hiện 31 vụ lò giết mổ (kể cả lò giết mổ tập trung lẫn lò nhỏ lẻ) bơm nước vào heo trước khi giết mổ, tang vật lên đến hơn 200 con. Trong đó, Thới Bình là địa phương có số cơ sở vi phạm nhiều nhất, với 14 cơ sở bị phát hiện.
Tại TP.HCM, ông Lê Anh Hùng, Trạm trưởng Trạm thú y H.Hóc Môn, cho biết tháng 4.2013 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện ập vào một cây xăng trên quốc lộ 22 (thuộc địa bàn H.Hóc Môn) bắt quả tang thương lái tổ chức bơm nước vào heo. Hơn 40 con heo đang bơm nước đã bị tạm giữ và xử phạt hành chính chủ hàng. Lô heo này được thương lái mua từ Đồng Nai đưa về TP.HCM, dọc đường ghé cây xăng này, sử dụng cây xăng như bình phong để tổ chức bơm nước tăng trọng heo.
Theo ông Hùng, trước đây muốn bơm nước vào heo họ dùng móc sắt móc miệng con heo lên thành chuồng, thọc ống nước vào sâu trong họng heo, bơm vào. Nhưng bây giờ, "công nghệ" rất đơn giản, chỉ cần ép con heo vào tường chuồng hoặc thành xe, dùng ống nước thọc sâu vào họng, tạo áp suất lớn bơm nước vào heo. Kiểu làm này hiện nay rất nhanh gọn, cơ động, nhằm đối phó lực lượng kiểm tra. Tùy theo kiểu bơm mà có thể tăng trọng từ 3 - 10 kg/ con heo”.
Tiêm thuốc an thần
Đáng sợ hơn, lực lượng thú y TP.HCM còn phát hiện trường hợp bơm thuốc an thần vào heo tại lò giết mổ.
Cụ thể, Tổ kiểm tra liên ngành H.Bình Chánh đã bắt quả tang ông Bùi Anh Hiến tổ chức mổ lậu tại địa chỉ C5A/30U tổ 5, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, hiện trường có 2 con heo đang giết mổ nằm lăn lóc trên sàn dơ bẩn và 19 lọ thuốc Prozil (thuốc an thần), trong đó 16 lọ đã sử dụng hết, 3 lọ đang sử dụng, 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc Prozil. Trong 9 con heo sống đang nhốt ở chuồng trong lò này có vài con lừ đừ, có con vẫn còn “phê” thuốc. Theo lời khai của ông Hiến, số thuốc này được mua trên địa bàn Q.12, thông thường tiêm vào heo sống tối hôm trước để sáng sớm hôm sau giết mổ. Cán bộ thú y trong đoàn tính toán, căn cứ số lọ thuốc còn lại ở hiện trường và liều lượng thuốc tiêm vào mỗi con heo, thời gian tồn tại lò giết mổ này có thể thấy có cả ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ bán ra thị trường.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đ., một chủ lò giết mổ heo trên địa bàn TP.HCM (đề nghị giấu tên) còn tiết lộ ngay cả “một số lò giết mổ chính quy” vẫn lén lút sử dụng “công nghệ độc” này. Thuốc an thần được tiêm ở 2 khâu. Đầu tiên là khâu vận chuyển để hạn chế heo sốc, chết. Khâu thứ 2 là tiêm khi giết mổ để thịt heo dẻo hơn, tươi hơn, để lâu miếng thịt trông vẫn tươi ngon, bắt mắt, dễ bán hơn so với thịt không tiêm thuốc.
|
Trong khi đó, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y H.Bình Chánh, cho biết theo quy định, sau 14 ngày kể từ ngày tiêm, thuốc thú y loại thải khỏi cơ thể gia súc, gia cầm mới được giết mổ. Nếu giết mổ trước thời gian này thì không được làm thực phẩm cho người.
Gà vịt cũng... căng phồng
“Gần đây cứ vụ giết mổ lậu gia cầm nào bị phát hiện thì hiện trường đều có dụng cụ để bơm nước tăng trọng. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi tịch thu rất nhiều bộ đồ nghề như vậy”, một cán bộ Trạm thú y H.Bình Chánh cho biết.
Vị này kể, ngày 25.5, đoàn kiểm tra liên ngành thú y H.Bình Chánh phát hiện lò giết mổ lậu gia cầm tại tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây, tại hiện trường cũng “có mặt” dụng cụ bơm nước. Trước đó, rạng sáng 23.2, đoàn kiểm tra ập vào ngôi nhà thuộc tổ 2 (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A) cũng bắt quả tang ông Đỗ Văn Hiếu (ngụ Bắc Giang) đang tổ chức giết mổ lậu gia cầm bẩn, gia cầm bệnh. Tại hiện trường cũng phát hiện bộ dụng cụ gồm bình nhựa nén hơi, dây ống nhựa dài khoảng 1 m có gắn kim tiêm và nhiều con gà đã giết mổ bị bơm nước căng phồng, no tròn.
Đề cập đến những nguy cơ từ thịt heo, gà bị bơm nước, ông Cao Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ kiểm dịch động vật Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau, nhìn nhận thịt bị giảm chất lượng, nhanh chóng bị hôi thối. Còn ông Lê Anh Hùng thì nói rõ thịt heo rất dễ nhiễm vi sinh. Riêng với Prozil, đây là thuốc dùng chữa bệnh cho động vật, chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ nhưng vì lợi nhuận nên rất nhiều lò giết mổ lậu sử dụng vô tội vạ. Việc không tuân thủ thời gian để thuốc loại thải khỏi cơ thể heo sẽ tồn dư thuốc trong thịt gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.
Ăn loại thịt này rất nguy hiểm Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên chính Trường đại học Y Dược TP.HCM), thuốc an thần thuộc nhóm thuốc độc bảng B, vì vậy ngay cả bác sĩ cũng phải rất thận trọng mỗi khi kê toa cho người bệnh. Việc lạm dụng, sử dụng bừa bãi thuốc an thần là rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng. Nhóm thuốc này có thể khiến người ta ngầy ngật, khó chịu, người hay bứt rứt, căng thẳng, bực bội, tính khí dễ bị kích động (trường hợp nhẹ). Trường hợp nặng hơn có thể bị nghiện thuốc; làm thay đổi tính cách con người; dễ dẫn đến trầm cảm, hoang tưởng, ám ảnh, có ý nghĩ muốn tự sát... Ngoài ra, lạm dụng thuốc an thần còn gây dị dạng cho thai nhi ở người mẹ mang thai; ảnh hưởng đến việc hứng thú trong tình dục và có thể gây vô sinh... Việc tiêm thuốc an thần vào heo sẽ nguy hiểm cho người sử dụng thịt. Nếu ăn loại thịt này thường xuyên lượng thuốc tích tụ trong cơ thể sẽ để lại những hậu quả như nói trên; thậm chí có thể khiến người ta nghiện loại thịt tiêm thuốc này! Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cũng cho biết, thuốc an thần Prozil là loại thuốc truyền mê, dùng trong phẫu thuật nhưng người giết mổ lậu dùng tiêm vào heo cho đẹp thịt. Nếu người dùng nhiều và dùng trong thời gian dài loại thịt heo có tiêm thuốc an thần sẽ bị ảnh hưởng thần kinh. Về việc bơm nước vào heo trước khi giết mổ, theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), trước hết sẽ làm thay đổi tổ chức thịt, làm giảm chất lượng, giảm giá trị dinh dưỡng. Chưa nói, nếu bơm nước dơ, nước bẩn sẽ khiến thịt bị nhiễm tạp chất, nhiễm hóa chất và vi khuẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng sử dụng thịt này có nguy cơ mắc bệnh đường ruột... Thanh Tùng - Hoàng Việt |
Phạt như... gãi ngứa! Ông Cao Mạnh Hùng cho rằng gần như 100% cơ sở bị kiểm tra đều phát hiện vi phạm. Các chủ lò ngày càng áp dụng nhiều hình thức vi phạm tinh vi hơn. Mặc khác, vướng mắc lớn hiện nay là dù một cơ sở giết mổ có bị phát hiện bơm nước vào heo bao nhiêu lần cũng chỉ áp dụng khung phạt hành chính từ 3 - 4 triệu đồng/ lần, chưa có biện pháp chế tài nào mạnh hơn nên người vi phạm bị “lờn thuốc”. |
Hoàng Việt - Gia Bách
>> Phất lên nhờ nuôi heo siêu nạc
>> Hậu loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc: Phạt nặng, buộc tiêu hủy sản phẩm chứa chất cấm
>> Sát thủ đầu mưng mủ" tái xuất với chuyện heo siêu nạc
>> Công bố đánh giá hóa chất độc hại trong thịt heo siêu nạc
>> Kinh hoàng heo siêu nạc - Kỳ 3: “Thần dược” là chất độc bị cấm!
>> Kinh hoàng heo siêu nạc - Kỳ 2: “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có
>> Kinh hoàng heo siêu nạc
Bình luận (0)