Gần đây, Neuralink thành công bước đầu khi cấy ghép chip vào hộp sọ khỉ và cho nó chơi game bằng ý nghĩ. Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc lại tìm ra cách phát triển một thiết bị đeo trên đầu có gắn chip và điện cực cảm biến, cho phép ghi lại tín hiệu não và truyền lên màn hình.
Được quân đội hỗ trợ kinh phí trong những giai đoạn đầu, các thiết bị đeo ngoài da, không xâm lấn (non-invasive wearables) kết hợp với giao diện não - máy tính (BCI) đang có nhiều bước tiến lớn. Các công ty như Kernel, Qneuro, NeuroSky và EMOTIV dần chuyển hướng sang vận dụng những thiết bị phổ biến và các phương pháp BCI ít xâm lấn hơn, do đó các loại mũ đội đầu dò sóng não trở thành một lựa chọn thương mại hợp lý. Ngay cả Facebook cũng đang phát triển bộ cấy BCI có thể đọc tín hiệu não và giải mã một bộ từ ngữ cơ bản.
Theo Techwire Asia, nhóm nhà nghiên cứu của Trung tâm Khoa học não thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) đã và đang phát triển bản cập nhật của chip Brainstalker sử dụng ít năng lượng hơn, có khả năng tích hợp hệ thống trên một vi mạch cao hơn. Khi gắn chip này vào thiết bị đeo trên đầu, người dùng có thể gõ lệnh bằng ý nghĩ. Mặc dù còn rất lâu sản phẩm này mới được thương mại hóa, nhóm nghiên cứu cho biết nó có thể nắm bắt tín hiệu từ não khá tốt, đủ đáp ứng các nhu cầu thông thường.
Năm ngoái, cũng chính nhóm này tạo ra hệ thống BCI tốc độ cao với bộ lệnh lớn nhất thế giới, dùng phương pháp mã hóa tiên tiến cho phép hệ thống xử lý tới 108 lệnh máy tính, gấp 3-4 lần so với các hệ thống giao diện não - máy tính hiện nay.
Công nghệ giao diện máy - não hiện là một trong số 14 công nghệ mới nổi nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Bộ Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS).
Việc phong tỏa công nghệ buộc các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải đổi mới để khắc phục tình trạng thiếu chip và nguyên liệu nhập khẩu ở đại lục. Dù tiến bộ về công nghệ cấy ghép BCI xâm lấn vẫn còn sau nhiều thị trường khác, nhưng nhóm nhà khoa Trung Quốc tự tin rằng các thiết bị ngoài da của họ ở đẳng cấp thế giới, đã được thử nghiệm thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, như thiết bị kích thích thần kinh của Trường đại học Y khoa Chiết Giang đã giúp kiểm soát chứng động kinh thông qua kích thích điện trị liệu.
Đại học Thiên Tân cũng đang làm việc với trung tâm đào tạo phi hành gia của Trung Quốc để khám phá công nghệ BCI và robot thông minh nhằm ứng dụng vào ngành hàng không vũ trụ. Khi đó, chip Braintalker có khả năng giảm tải cho các phi hành gia, giúp họ di chuyển trong không gian dễ dàng hơn.
Bình luận (0)