Cộng đồng mạng ‘sôi sục’ vì cách xét tuyển đại học mới

21/08/2015 16:58 GMT+7

(TNO) Điểm cao “vẫn trượt”, rút hồ sơ xong mới biết điểm mình “vẫn đậu” và có cảm giác giống như sàn giao dịch chứng khoán. Đó là những cảm xúc lẫn lộn mà thí sinh (TS) và phụ huynh (PH) gặp phải trong ngày 20.8, thời điểm cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) vào đại học và cao đẳng năm nay.

(TNO) Điểm cao “vẫn trượt”, rút hồ sơ xong mới biết điểm mình “vẫn đậu” và có cảm giác giống như sàn giao dịch chứng khoán. Đó là những cảm xúc lẫn lộn mà thí sinh (TS) và phụ huynh (PH) gặp phải trong ngày 20.8, thời điểm cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) vào đại học và cao đẳng năm nay.

Bồi hồi lo lắng, cập nhật thông tin điểm thi… là những cảm xúc không chỉ dành cho TS mà cả với PH trong chiều 20.8 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đợt xét tuyển NV1 năm nay đã chính thức khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn dai dẳng trong nhiều ngày nữa trước sự bức xúc của nhiều TS và PH cho cách làm mới của Bộ GD-ĐT.

Không ít những niềm vui vỡ òa trong sung sướng sau một cảm giác bồi hồi, lo lắng như ngồi trên đống lửa, cùng với đó cũng không ít những giọt nước mắt nức nở khi biết mình trượt đại học. Hình ảnh những TS chạy xuôi chạy ngược rút hồ sơ NV1 từ trường này sang trường khác dưới cơn mưa tại TP HCM, thậm chí một TS tại Móng Cái (Quảng Ninh) đã phải vượt 900 km để… rút hồ sơ, khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt dù… chẳng liên quan.

Một mùa thi được đánh giá cao về cách thức tổ chức vốn tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho người dân, nhưng sau đó là một trận chiến nảy lửa, sự bức xúc đến từ TS, PH cũng như nhiều người dân trong cả nước. Chẳng vậy mà chị Bích Vân, giáo viên tại một trường tiểu học tại Đà Nẵng nói: “Thấy cảnh mấy em xét tuyển vào đại học năm nay mình thấy thương quá. Ngày trước thi đại học bọn mình đâu có như vậy. Ở Đại học Đà Nẵng chỉ cần nộp hồ sơ ban đầu, đạt điểm chuẩn vào trường rồi là đậu, nếu không đủ điểm vào ngành mong muốn thì có thể chuyển xuống ngành dưới lấy điểm thấp hơn. Chẳng bù lần này, nhiều em điểm cao thế mà vẫn rớt chỉ vì điểm vào trường tăng lên như “sàn giao dịch””.

“Mình làm cán bộ hướng dẫn đăng ký xét tuyển của một trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Những ngày qua thấy thí sinh, phụ huynh “chạy lên, chạy xuống” làm mình muốn rơi nước mắt”, bạn Phong nhận xét.

Một giáo viên tại TP.HCM cũng cho biết: “Tôi là giáo viên khi đọc đã rơi nước mắt vì thương cho phụ hynh và các em học sinh quá. Vất vả quá. Vất vả và tốn kém của Bộ GD-ĐT bây giờ chuyển hết qua cho PH và HS rồi”.

“Tôi cũng là giáo viên và cũng đã rơi nước mắt khi nhìn tấm ảnh chụp trên báo. Sao mà tội nghiệp cho các em thí sinh đến vậy? Vì đâu nên nỗi, tại sao người lớn lại để các em lao vào một “canh bạc” sau khi đã vất vả cả năm học thi?”, nhận xét từ bạn Nguyễn Sơn.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng nhiều TS chưa xác định đúng vị trí của mình nên dẫn đến tình trạng lộn xộn trong những ngày cuối của đợt tuyển sinh, một số độc giả đã phản ứng mạnh mẽ khi cho rằng các TS vẫn còn nhỏ để có thể hiểu được những vấn đề. Bạn Mỹ Linh bức xúc: “Nếu đổ lỗi cho HS là quá vô trách nhiệm. Các em còn quá non nớt để đối phó với những cái cải cách mà trên thế giới không nước nào áp dụng. Trách nhiệm thuộc chính những người làm việc không khoa học. Muốn áp dụng một phương thức tuyển sinh mới cần có thời gian vài năm nghiên cứu nghiêm túc, có phản biện rộng rãi của toàn xã hội, áp dụng thí điểm ở quy mô hẹp, sau đó rút kinh nghiệm, lấy ý kiến phản biện một lần nữa. Chỉ khi có sự đồng thuận của đa số ý kiến trong xã hội mới áp dụng trên quy mô toàn quốc. Đừng biến HS thành chuột bạch rồi lại đổ lỗi cho các em”.
Và rồi nhiều giọt nước mắt đã rơi sau khi biết điểm trúng tuyển dự kiến của trường - Ảnh: H.A
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến ủng hộ cách thức thi mới và dựa trên những kinh nghiệm năm nay đưa ra biện pháp khắc phục tốt hơn vào năm sau.

Bạn Lê Thị Kim Thảo nói: “Bản thân tôi cũng là một sinh viên sư phạm mới ra trường, thấy tình cảnh như thế này, tôi rất thương cho những em HS và PH của các em. Hy vọng sao, sang năm không có tình trạng này xảy ra nữa. “Trúng tuyển tạm thời”, “điểm chuẩn tạm thời” nghe mà thật vô lý. Đổi mới cần phải chính xác, rõ ràng, phải nâng chất lượng giáo dục lên... Hy vọng các nhà quản lý giáo dục sớm khắc phục tình trạng này”.

“Nên tiếp tục duy trì như năm nay, cần cải tiến trong vấn đề nộp hồ sơ trực tuyến, hằng năm, nhiều người mơ vào trường top trên và cầu mong đậu hên xui, nên có trường hợp điểm cao rớt, điểm thấp đậu như các năm trước. Năm nay chỉ những thí sinh điểm cao mới vào trường top trên là quá công bằng, nếu rớt thì sang năm thi lại, chứ đừng đổ lỗi cho người khác. Còn tâm lý muốn vào đại trường đại học nào cũng được là do gia đình và nhà trường không làm tốt công tác hướng nghiệp”, ý kiến từ bạn Tuyết Nhi đưa ra.

Hay như ý kiến từ bạn Nguyen Thanh Tra nói: “Tôi là phụ huynh có con thi tuyển đợt này nên rất hiểu rõ tâm trạng này. Tuy nhiên công tâm mà nói không nên trách cứ phương pháp này. Bộ đã tạo ra cho chúng ta có quyền lựa chọn chứ như mọi năm khi đã nộp rồi là thôi”.

Bạn Dang Thanh Liem thì cho rằng: “Tôi cũng từng đưa con đi thi đại học nên tôi rất hiểu và thông cảm với các bậc phụ huynh và học sinh. Năm nay, đợt xét tuyển đại học phải nói thật là quá “căng thẳng và mệt mỏi” cho phụ huynh, cho thí sinh và kể cả cho các trường đại học. Hy vọng qua đợt tuyển sinh này, Bộ GD-ĐT sẽ rút ra được những kinh nghiệm, những bài học để tổ chức tốt hơn kỳ tuyển sinh năm sau cho xã hội nhờ”.

Còn bạn Trần Đăng Ản nhận xét: “Thực ra Bộ GD-ĐT cũng có ý tốt, muốn cho xã hội và phụ huynh, học sinh đỡ tốn kém, vất vả nhưng không lường được mọi chuyện nên mới ra nông nỗi này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.