Đức trì hoãn 5G vì tranh cãi 'có hay không có Huawei'

18/12/2019 13:38 GMT+7

Liên minh bảo thủ gồm Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định trì hoãn triển khai mạng 5G ở Đức cho tới năm sau vì lý do bảo mật.

Cụ thể, chính phủ của bà Merkel vốn đang phải chịu áp lực của Mỹ trong việc hạn chế sử dụng thiết bị và công nghệ của Huawei, giờ đây muốn tăng cường thêm các chứng nhận kỹ thuật và giám sát các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, không có ngoại lệ cho bất kỳ quốc gia hay nhà cung cấp cụ thể nào. Nhưng ai cũng hiểu trong đó cái đích chính là nhắm vào Huawei.
Các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vào hôm 17.12 đã ủng hộ một đề xuất nội bộ, trong đó nếu được chính phủ thông qua thì có nhiều khả năng cánh cửa cho Huawei tham gia vào mạng 5G ở Đức sẽ bị khép lại. Các nhà lập pháp cho biết, mục tiêu của họ vẫn là tìm được tiếng nói chung với liên minh CDU/CSU của bà Merkel.
Nhà lập pháp của SPD là Jens Zimmermann cho rằng, “có thể chúng tôi sẽ có một giải pháp cụ thể vào tháng 1 tới. Chúng tôi sẽ có một kế hoạch chi tiết chung và sẽ ở mức độ nghiêm trọng hơn đáng kể”. Ông cũng đề cập đến các quy tắc xây dựng mạng di động 5G được chính phủ của bà Merkel hoàn thiện vào tháng 10, đưa ra đánh giá về các tiêu chí kỹ thuật và các tiêu chí khác, phần lớn được hiểu là giữ cho Huawei một khe cửa hẹp.
Theo Reuters, liên minh bảo thủ của bà Merkel đang bị chia rẽ về vấn đề này: Một số người phản đối cách tiếp cận chậm rãi của Thủ tướng Đức và cho rằng nên đi cùng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của SPD, trong đó có quy định rằng các nhà cung cấp từ các quốc gia thiếu minh bạch nên bị loại trừ, Trung Quốc là một ví dụ. Trong khi những người đứng về phía kiểm duyệt lại mong muốn tránh đối đầu với bà Merkel và cho rằng các tiêu chí bảo mật nghiêm ngặt chỉ nên áp dụng cho mạng lõi.
Ngoài ra, những người thuộc phe bảo thủ cũng cho rằng không nên để một công ty nào thống trị bằng việc giới hạn mức cung ứng dưới 50% thành phần mạng 5G. Các quy tắc chặt chẽ hơn sẽ được áp dụng đối với các nhà cung cấp ngoài châu Âu, trong đó có Huawei. Tuy nhiên, các nhà khai thác mạng ở Đức đang là khách hàng của Huawei và họ đã đưa ra cảnh báo rằng việc cấm cửa nhà cung cấp Trung Quốc có thể sẽ khiến Đức mất thêm nhiều năm trì hoãn 5G và tốn thêm hàng tỉ USD để phát triển mạng tiên tiến này.
Theo Mỹ, Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu toàn cầu với thị phần lên tới 28%, nhưng có nhiều nguy cơ chứa “cửa hậu” cho phép Trung Quốc do thám các hệ thống sử dụng thiết bị của Huawei. Về phía mình, Huawei tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và cho rằng việc đánh giá một công ty dựa trên xuất xứ là không công bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.