Huawei hết đường làm ăn ở châu Âu năm 2019?

Thu Thảo
Thu Thảo
14/01/2019 14:55 GMT+7

Huawei, hãng có doanh thu cao hơn cả Alibaba và Tencent cộng lại, đã và đang là mục tiêu kiểm soát chặt của nhiều nước phương Tây từ Mỹ cho đến Úc, New Zealand.

Mới đây, vụ Giám đốc kinh doanh khu vực Wang Weijing (Vương Vĩ Tinh) của Huawei bị bắt tại Ba Lan càng làm trầm trọng hóa nghi ngại gián điệp, an ninh mà nhiều nước nhắm vào công ty Trung Quốc, theo Bloomberg. Huawei sau đó sa thải ngay ông Wang, cho biết sự việc khiến hãng “mang tiếng xấu”. Trước đó, công ty nhiều lần phủ nhận các cáo buộc nhắm vào mình.
Hiện một số nước và nhà mạng tránh dùng thiết bị của Huawei vì lo ngại sản phẩm có thể có cửa hậu cho cơ quan tình báo Trung Quốc sử dụng. Chuyên gia Brock Silvers thuộc hãng Kaiyuan Capital nhận định vụ bắt giữ tại Ba Lan có thể “châm dầu vào lửa” cho hoạt động kinh doanh của Huawei, vì châu Âu là khu vực đóng góp doanh thu quan trọng cho doanh nghiệp. “Bất kể cáo buộc chống lại ông Wang cuối cùng được giải quyết ra sao, có vẻ như hoạt động kinh doanh ở châu Âu của Huawei sẽ tổn thương trong năm 2019” ông Silvers nói.
Adam Ni, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc Huawei nhanh chóng sa thải ông Wang cho thấy hãng này nỗ lực tách biệt mình với mọi hành động mà họ có thể đã tham gia. “2019 sẽ là năm xác định với Huawei ở Liên minh Châu Âu (EU), vì các nước EU ngày càng hoài nghi về hoạt động của Huawei. Vụ việc ở Ba Lan là tin xấu mới nhất về Huawei trên toàn cầu, đặc biệt liên quan đến quan hệ của hãng và tình báo, quân đội Trung Quốc”, ông Ni nhận định.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc đẩy đồng minh không dùng hàng Huawei cho mạng lưới viễn thông quốc gia trong bối cảnh Mỹ - Trung tranh chấp thương mại. Khi phát ngôn viên của Giám đốc dịch vụ tình báo Ba Lan Stanislaw Zaryn đăng tải thông tin ông Wang bị bắt trên Twitter, ông có kèm đường dẫn đến Twitter của Bộ Ngoại giao Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Hiện Warsaw xem xét việc chính thức ra khuyến nghị thận trọng với Huawei, có khả năng loại trừ hãng này khỏi thị trường công nghệ thông tin quốc gia, Giám đốc an ninh mạng Ba Lan Karol Okonski cho biết. Reuters thì đưa tin chính phủ Ba Lan có thể cấm cơ quan nhà nước dùng sản phẩm Huawei và thắt chặt luật pháp, giúp chính quyền có khả năng hạn chế bất kỳ sản phẩm nào do doanh nghiệp bị xem là có mối đe dọa an ninh sản xuất.
Một quan chức chính phủ Ba Lan cho hay thay đổi chính sách “đột ngột” ở nước này chưa được thông tin chính thức, song việc dùng hàng Huawei sẽ được xem xét: “Chúng tôi sẽ phân tích xem liệu quyết định của mình có bao gồm việc ngừng dùng sản phẩm Huawei không. Chúng tôi không có luật để buộc các hãng tư nhân hoặc người dân ngừng dùng bất kỳ sản phẩm IT nào. Không thể loại trừ trường hợp rằng chúng tôi sẽ thay đổi luật và cho phép động thái trên trong tương lai”.
Khối EU đang có Đức cân nhắc việc nên hạn chế vai trò của Huawei trong xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia. Đức có thể làm theo Úc và New Zealand, cấm thiết bị Huawei. Tháng trước, Cục tình báo mật (MI6) của Anh cho biết chính phủ cần quyết định có nên cấm Huawei hay không. Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman nói rằng Trung Quốc có thể chuẩn bị trả đũa sau khi chính quyền nhiều nước cảnh báo về Huawei. Ông Zeman e ngại đầu tư của Volkswagen (đơn vị ở Séc), Skoda Auto vào Trung Quốc cùng hiệp ước PPF AS với Huawei để xây dựng mạng 5G có thể là mục tiêu tiềm năng.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vụ việc. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố trong vòng vài giờ sau khi thông tin về vụ bắt giữ lan ra cuối tuần trước: “Chúng tôi đang yêu cầu quốc gia liên quan giải quyết vụ việc một cách công bằng theo luật pháp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.