Bức tranh về tinh vân NGC 2014 và NGC 2020 đã được đặt biệt danh là "Rạn san hô vũ trụ" vì nó trông giống như một thế giới san hô lấp lánh dưới đáy biển.
Theo Sky News, hình ảnh tuyệt đẹp này chính là ảnh chụp của một khu vực hình thành sao rộng lớn gần Dải Ngân hà, nằm cách Trái đất khoảng 163.000 năm ánh sáng. Nó chụp lại tinh vân khổng lồ NGC 2014 và hàng xóm NGC 2020, bức ảnh được đặt biệt danh là "Rạn san hô vũ trụ", hai vùng hình thành sao này bị chi phối bởi sự phát sáng của các ngôi sao lớn hơn ít nhất 10 lần so với mặt trời của chúng ta, mặc dù chúng chỉ sống vài triệu năm, so với thời gian 10 tỉ năm của mặt trời.
Kính thiên văn vũ trụ khổng lồ Hubble được gửi vào quỹ đạo tầm thấp của Trái đất (ở độ cao 2.000 km hoặc ít hơn tính từ tâm trái đất) vào năm 1990. Nhiệm vụ của nó là thu thập hình ảnh và dữ liệu của các thiên hà xa xôi, các hành tinh và các lỗ đen siêu lớn nằm sâu trong vũ trụ.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) - đơn vị vận hành kính viễn vọng Hubble chung với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), kể từ khi phóng lên, nó đã cung cấp cho các nhà khoa học khoảng 1,4 triệu hình ảnh chưa từng thấy trước đây và cung cấp dữ liệu cho hơn 17.000 bài báo khoa học. Tính đến nay, nó đã đi một chặng đường dài từ những năm đầu gặp khó khăn khi “một mắt” của nó bị mờ do một chiếc gương không hoàn thiện và mãi tới năm 1993 mới được sửa chữa.
|
Mỗi năm, Hubble lại đưa ra một hình ảnh quan trọng và hiện chưa có dấu hiện nó sẽ được cho về hưu. Giáo sư Gunther Hasinger, Giám đốc khoa học ESA, cho biết nó vẫn có một vai trò quan trọng giúp định hình trí tưởng tượng và truyền cảm ứng cho nhiều thế hệ, không chỉ với các nhà khoa học. Điều quan trọng là sự hợp tác lâu dài giữa NASA và ESA.
Bình luận (0)