Thập kỷ qua, đã có tới hơn 500 công ty khởi nghiệp (startup) nhảy vào lĩnh vực thương mại vũ trụ, khiến các nhà phân tích muốn đặt cược nó sẽ trở thành một trong những thị trường mới đáng để xem xét đầu tư. Theo một báo cáo của công ty Space Angels, kể từ năm 2009 đến nay các nhà đầu tư đã rót hơn 25 tỉ USD vào các nhà sản xuất vệ tinh, tên lửa và sáng tạo không gian.
Năm nay, có thể sự chú ý còn mạnh mẽ hơn khi nhiều công ty non trẻ tiếp tục dấn thân vào ngành công nghiệp mang tính “viễn tưởng” này. Thay vì theo đuổi các khoản đầu tư thiên thần và tài trợ hạt giống, một số công ty khởi nghiệp đang tăng vốn hoặc tìm cách thu hút những người ủng hộ từ các kênh chính thống hơn. Một hoặc hai startup thậm chí có thể sẽ nộp đơn xin IPO, qua đó mang lại nhiều uy tín hơn ở Phố Wall để thu hút đầu tư.
Nhưng cũng giống như bất kỳ ngành công nghiệp trưởng thành khác, dọc hành trình này sẽ có một số công ty phá sản, những công ty khác thì hợp lực để tồn tại hoặc bị các đối thủ lớn “nuốt chửng”.
Niêm yết lên sàn chứng khoán (IPO)
Năm ngoái, Virgin Galactic - liên doanh do tỉ phú người Anh Richard Branson thành lập, đã trở thành công ty du lịch vũ trụ đầu tiên ra mắt thị trường chứng khoán. Nhiều người coi đây là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của ngành vũ trụ. Nhưng việc niêm yết diễn ra thông qua sáp nhập ngược, điều đó có nghĩa là công ty đã bỏ qua các quy chuẩn nghiêm ngặt điển hình, trong đó có quy ước các công ty phải chia sẻ rộng rãi thông tin tài chính và công khai nó qua một đơn vị kiểm toán độc lập hoặc ngân hàng.
Dylan Taylor, một nhà đầu tư nổi tiếng đang rót vốn vào các công ty vũ trụ chia sẻ với CNN rằng, “sẽ tốt hơn nữa khi một công ty vũ trụ mới thực sự lên sàn (IPO) theo cách truyền thống". Và khi đó, nó có thể tạo ra làn gió mới để khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm tài trợ cho các công ty khởi nghiệp không gian khác.
Những tên tuổi lớn nhất trong ngành không gian có thể sẽ không được công khai, trong đó có thể kể tới SpaceX của Elon Musk và Blue Origin - liên doanh tên lửa do Jeff Bezos của Amazon thành lập, những gã khởi nghiệp khổng lồ này được tài trợ rất nhiều và có vẻ không muốn tiết lộ công khai về danh sách tài trợ.
Nhưng một vài công ty được hỗ trợ liên doanh khác có thể lao dốc, dù chưa rõ điều đó có xảy ra trong năm nay hay không. Nhưng Taylor cảnh báo, các vấn đề chính trị hoặc suy thoái kinh tế có thể làm giảm viễn cảnh IPO khi mà năm ngoái sự thất vọng của các ngành dịch vụ công đã khiến giới đầu tư Phố Wall cảnh giác với các công ty công nghệ khó sinh lợi.
Sáp nhập và lụi tàn
|
Làn gió sáp nhập cũng có thể càn quét ngành công nghiệp vũ trụ khi mà các công ty khởi nghiệp đang tìm cách xây dựng liên minh chiến lược nhằm thiết lập chỗ đứng riêng cho họ. Một số công ty lớn - bao gồm SpaceX, OneWeb (do Softbank chống lưng), Project Kuiper của Amazon và telesat của Canada - đang chạy đua xây dựng các mạng lưới hàng trăm vệ tinh nhằm phủ kín internet từ không gian.
Đó là một nỗ lực tốn kém và họ phải đấu tranh với nhau về quyền sử dụng các tần số vô tuyến cũng như các khu vực quỹ đạo nhất định mà các vệ tinh của họ hoạt động. Chad Anderson, người đứng đầu Space Angels và là một nhà đầu tư ở lĩnh vực không gian cho rằng, “Chỉ có một số quỹ đạo đủ tốt để tranh chấp, giống như đất đai vậy”.
Điều này có thể tạo ra một số vụ hợp nhất trong ngành, nếu một hoặc nhiều công ty gặp khó khăn về tài chính thì họ có thể chuyển hướng để bán mình cho các công ty lớn.
Ngoài ra, còn có một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp - hơn 100 công ty - đang cố gắng tạo ra các tên lửa được thiết kế để chuyên chở các vệ tinh nhỏ đi vào quỹ đạo. Những tên lửa này sẽ nhỏ hơn và rẻ hơn nhiều so với tên lửa Falcon của SpaceX. Trong đó, hiện mới chỉ có một công ty là Rocket Lab đã thành công và bắt đầu tham gia phóng vệ tinh cho khách hàng, hai doanh nghiệp khác là Virgin Orbit và Firefly đang có kế hoạch đi vào hoạt động ngay trong năm nay.
Nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng phần lớn các công ty khởi nghiệp về tên lửa sẽ buộc phải đóng cửa, thị trường chỉ có thể hỗ trợ cho một số ít nhà cung cấp và những công ty còn lại sẽ lao dốc trước khi phá sản hoặc bán mình cho các đối thủ lớn.
Vì sao ít có viễn cảnh mua lại công ty khởi nghiệp
Theo Anderson, không có khả năng bất kỳ dự án vũ trụ lớn do ba tỉ phú chống lưng gồm SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic - sẽ thâu tóm một công ty khởi nghiệp, bởi các công ty này đang phải dồn vốn đầu tư vào sự tăng trưởng của chính họ.
Và các nhà đầu tư cũng không mong đợi viễn cảnh các công ty hàng không vũ trụ kế thừa họ như Lockheed Martin hoặc Boeing thâu tóm các startup vũ trụ, bởi các doanh nhân không gian thường không muốn bán doanh nghiệp của họ cho các công ty khổng lồ - đối thủ của chính họ ở một mảng nào đó.
Điều đó không có nghĩa là các công ty vũ trụ kỳ cựu sẽ không tham gia với các công ty khởi nghiệp non trẻ. Cả Lockheed và Boeing đều đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, họ có cổ phần trong các công ty như Rocket Lab và Virgin Galactic. Nhưng đó là những vụ đầu tư hiếm hoi.
Viễn cảnh tươi sáng
Các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư đáng kể vào các công ty khởi nghiệp không gian trong vài năm qua. Vì vậy, ngành công nghiệp "không gian mới", vẫn còn rất non trẻ và còn phải tự chứng minh bản thân rất nhiều.
Nhưng các ngân hàng trên Phố Wall, bao gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley, dự đoán nền kinh tế vũ trụ toàn cầu có thể tăng lên 1.000 tỉ USD trở lên trong hai thập kỷ tới. Nếu tầm nhìn của ngành vũ trụ của họ là đúng, thập kỷ tới chúng ta sẽ được chứng kiến những bước nhảy vọt chưa từng thấy của ngành không gian.
Hàng ngàn vệ tinh mới sẽ được triển khai, các tên lửa mới sẽ bận rộn để vận chuyển tàu vũ trụ vào không gian và khách du hành sẽ có dịp đặt phòng khách sạn trên một hành tinh xa xôi nào đó.
Bình luận (0)