Ngành công nghệ sẽ ra sao khi suy thoái kinh tế đến?

Thu Thảo
Thu Thảo
14/08/2019 18:23 GMT+7

Rất nhiều chỉ báo đang hướng về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm tới. Lợi tức trái phiếu Mỹ giảm, số lô hàng xuất xưởng hạ và nhiều giám đốc điều hành lo lắng về chuyện kinh doanh .

Theo CNBC, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng suốt một thập niên qua rất tốt cho ngành công nghệ. Các hãng công nghệ lớn với bảng cân đối kế toán mạnh mẽ chứng kiến cổ phiếu bay cao.
Kể từ khi đợt suy thoái gần nhất kết thúc vào tháng 7.2009, Apple tăng gần 900%, Amazon tăng hơn 2.000% và Microsoft, hãng từng bị xem là "vô vọng", tăng 400%. Các doanh nghiệp nhỏ hơn với lợi nhuận khiêm tốn hơn cũng thể hiện tốt, chẳng hạn như Salesforce có cổ phiếu tăng 1.600%, Netflix có cổ phiếu tăng 5.000%.
Các hãng công nghệ như Twitter và Uber tăng trưởng từ thời startup đến lúc chào sàn chứng khoán, cùng nhau sở hữu 100 tỉ USD giá trị thị trường. Vốn đầu tư mạo hiểm liên tiếp rót vào các hãng khởi nghiệp, nhiều đến mức vòng gọi vốn đạt 100 triệu USD có khi được xem là không đáng kể.
Giới công nghệ đã đi đến chỗ có sức mạnh và sự thống trị không thể bàn cãi. Song bất cứ ai từng đi qua khủng hoảng kinh tế 2007-2009 đều có thể nói chắc chắn rằng rất nhiều điều sẽ thay đổi ở thời suy thoái kinh tế. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và độ dài của suy thoái, các công ty có vốn hoặc bảng cân đối kế toán yếu sẽ hết tiền và không thể tìm thêm tài trợ từ bên ngoài. Một số hãng có thể biến mất chỉ sau một đêm, hoặc trở nên nhỏ hơn rất nhiều.
Khi đó, chủ sở hữu doanh nghiệp có thể tìm cách tái cấu trúc hoặc sáp nhập công ty. Các giám đốc cấp cao hoặc CEO không bảo đảm được lợi nhuận cho công ty bị sa thải, trong khi những người giỏi cố rời đi trước khi mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát. Những tên tuổi công nghệ lớn có thể lao dốc không phanh, đặc biệt là sau một hoặc hai quý kinh doanh kém.
Ngoài ra, các hãng lớn cũng bị buộc phải hạn chế hoặc bỏ hẳn một số mảng kinh doanh đầu cơ hoặc không sinh lợi nhiều. Chi tiêu quảng cáo thường thể hiện sức tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với việc các hãng công nghệ có doanh thu phụ thuộc nhiều vào quảng cáo sẽ gặp khó khi nhiều công ty không còn kinh phí quảng cáo. Google và Facebook là hai cái tên đáng chú ý trong nhóm này. Twitter, Snap và Pinterest cũng sẽ gặp thách thức lớn hơn.
Ngoài ra, các cổ đông sẽ tìm kiếm ai đó để đổ lỗi hoặc kiện khi mọi thứ xấu đi. Hoạt động của nhân viên tại các hãng lớn như Google có thể hạ và chuyện tuyển kỹ sư sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ngành công nghệ và các tỉ phú công nghệ có thể trở thành "kẻ thù" của nhiều người khi bất bình đẳng trở nên rõ ràng hơn trong một nền kinh tế suy thoái.
Suy thoái kiểm tra niềm tin của các nhà đầu tư và phân biệt công ty mạnh với công ty yếu. Song các hãng vượt qua được suy thoái sẽ đối mặt ít sự cạnh tranh hơn, có thể đón lợi lớn khi kinh tế phục hồi trở lại. Amazon Web Services vẫn chỉ là một dự án khi suy thoái kinh tế bắt đầu vào cuối năm 2007. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ của ở thời điểm đó, Amazon trở thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất của thập niên sau. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.