Andy Wang, kỹ sư công nghệ thông tin tại một công ty game có trụ sở ở Thượng Hải, thỉnh thoảng cảm thấy tội lỗi về công việc của mình. Hầu hết thời gian của anh đều dành cho phần mềm giám sát DiSanZhiYan, hay còn gọi là "Con mắt thứ ba". Phần mềm được cài đặt trên laptop của tất cả đồng nghiệp tại công ty anh để theo dõi màn hình của họ trong thời gian thực, ghi lại các cuộc trò chuyện, hoạt động duyệt web và chỉnh sửa tài liệu mà họ thực hiện. Điều này đã khiến hàng trăm nhân viên của công ty liên tục cảm thấy khó chịu khi bị “Con mắt thứ ba” soi mói.
Không dừng lại ở đó, phần mềm giám sát còn tự động gắn cờ “hành vi đáng ngờ” khi nhân viên truy cập các trang web tìm kiếm việc làm hoặc các nền tảng phát trực tuyến video. Báo cáo “hiệu quả" sẽ được tạo hằng tuần, tóm tắt thời gian của nhân viên trên mọi trang web và ứng dụng. "Các sếp sẽ kiểm tra báo cáo thường xuyên. Chúng cũng có thể được dùng để làm bằng chứng khi công ty tìm cách sa thải một số người nhất định, hoặc gây ảnh hưởng đến triển vọng thăng chức, tăng lương của nhân viên”, Wang cho biết.
Ngay cả bản thân Wang cũng không được miễn trừ khỏi hệ thống giám sát. Camera độ nét cao được lắp đặt xung quanh sàn nhà, bao gồm cả trong phòng làm việc của anh. Một nhân viên lễ tân sẽ kiểm tra cảnh quay hằng ngày để theo dõi thời gian mỗi nhân viên dành cho giờ nghỉ trưa. Cuối cùng, sau hai năm Wang đã bỏ việc. “Nó không hợp lý. Chúng tôi không thể làm việc không ngừng nghỉ trong văn phòng. Chúng tôi cũng cần được nghỉ ngơi một chút”, Wang nói.
Ở Trung Quốc, việc áp dụng công nghệ hứa hẹn sẽ giúp các tầng lớp trung lưu có một cuộc sống dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi các công ty đưa công cụ nâng cao năng suất vào cuộc sống văn phòng, thì hiệu quả của chúng không gì hơn là vắt kiệt giá trị và sức lao động của nhân viên. Giống như những gì mà thuật toán đã chi phối ngày làm việc của công nhân kho hàng tại Alibaba và nhân viên giao hàng của Meituan, giới văn phòng đại lục cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng quản lý, giám sát dựa trên phần mềm. Điều này đặc biệt xảy ra trong ngành công nghệ Trung Quốc, nơi có đà phát triển công nghệ nhanh chóng nhưng lại đi cùng với các quy định lao động kém đã tạo ra khả năng lạm dụng lao động.
Một số học giả cảnh báo hành vi thu thập dữ liệu có thể phi đạo đức, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên, tạo gánh nặng cho họ với khối lượng công việc lớn và gây căng thẳng về tinh thần. “Tôi cảm thấy mình ngày càng bận rộn hơn và ít có thời gian cho bản thân. Môi trường làm việc áp lực cao, trong một số trường hợp, đã gây ra cái chết cho nhân viên văn phòng”, kỹ sư Wang cho hay.
Pinduoduo là một trong những viên ngọc quý của ngành công nghệ Trung Quốc. Chỉ trong 5 năm, công ty có trụ sở ở Thượng Hải đã tăng từ 0 lên 788 triệu người dùng hoạt động hằng năm, vượt qua JD.com để trở thành công ty thương mại điện tử lớn thứ hai đại lục với giá trị thị trường là 175 tỉ USD. Nhưng có một điều rõ ràng là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc này đang phải trả giá. Tháng 12.2020, một nữ nhân viên 22 tuổi tử vong sau khi ngã quỵ trên đường đi làm về vào khoảng 1 giờ 30 sáng. Cô làm việc cho Duoduo Grocery, đơn vị mua sắm tạp hóa của công ty, có dịch vụ phát triển nhanh chóng bao phủ 300 thành phố của Trung Quốc. Hai tuần sau đó, Pinduoduo lại lên tiếng xác nhận một kỹ sư của họ nhảy lầu tự tử. Theo một cựu nhân viên, người kỹ sư này đã kiểm tra ứng dụng nhắn tin của công ty lần cuối trước khi kết thúc cuộc đời.
Một loạt sự cố khác đã gây ra tranh luận trực tuyến gay gắt về văn hóa "996" nổi tiếng ở làng công nghệ Trung Quốc, nơi các nhân viên phải làm việc vất vả từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Tuy nhiên, cũng giống như những gì diễn ra trước đó, các cuộc thảo luận đã nhanh chóng biến mất.
“Người lao động không bị thay thế bởi thuật toán và trí tuệ nhân tạo, nhưng họ đang bị giám sát bởi những công nghệ này. Tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ 18, công nghệ ngày nay đang gia tăng tốc độ cho con người làm việc với máy móc thay vì ngược lại. Con người chỉ còn một chút quyền tự chủ về điều đó”, Nick Srnicek, Giảng viên Kinh tế Kỹ thuật số tại Đại học Hoàng đế London (Anh), nói.
Lạm dụng và thao túng cảm xúc
Theo Samuel Yang, luật sư chuyên về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và an ninh mạng tại Công ty luật Anjie ở Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc đã tiến hành soạn thảo luật để ngăn chặn việc thu thập dữ liệu cá nhân rộng rãi của các công ty công nghệ, nhưng vẫn có rất ít sự bảo vệ pháp lý đối với quyền riêng tư của người lao động. “Thách thức trong lập pháp là xác định loại giám sát công việc nào nên được coi là hợp lý và cần thiết”, ông Yang cho biết.
Ở phương Tây, việc giám sát nhân viên trở nên phổ biến khi các công ty lo lắng về năng suất làm việc từ xa. Còn ở Trung Quốc, điều này lại được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các gã khổng lồ công nghệ. Khi người lao động thành thị chuyển sang làm việc với các nền tảng trực tuyến, giám sát công việc ngày càng trở thành tiêu chuẩn. “Tốc độ của luật pháp khó có thể phù hợp với sự phát triển của công nghệ”, ông Yang nói.
Việc giám sát nhân viên, bao gồm cả thiết bị làm việc của họ, được cho phép ở hầu hết các quốc gia để bảo vệ tài sản công ty và thông tin kinh doanh nhạy cảm. Tuy nhiên, luật liên bang của Mỹ nghiêm cấm chủ lao động cố ý chặn giao tiếp bằng miệng, thiết bị điện thoại và điện tử của nhân viên. Ở Liên minh châu Âu, nhân viên được bảo vệ tốt hơn khi việc thu thập thông tin cá nhân cần phải có sự đồng ý của họ. Trong khi đó, ở Trung Quốc, sử dụng các công nghệ để giám sát liên tục đang ngày càng phổ biến. Sangfor Technologies, nhà cung cấp nền tảng giám sát trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, tiết lộ trong số hơn 50.000 khách hàng doanh nghiệp của mình có những ông lớn công nghệ như Alibaba, ByteDance, Sina Corp, Xiaomi và ZTE.
Năm ngoái, công ty con Trung Quốc của nhà sản xuất máy ảnh Nhật Bản Canon, đã áp dụng một hệ thống quản lý không gian làm việc chỉ cho phép nhân viên nào tươi cười mới được bước vào phòng họp. Công ty nói rằng công nghệ "nhận dạng nụ cười" này nhằm mang lại không gian vui vẻ hơn cho văn phòng. Nhưng nhiều nhân viên nhận thấy việc sử dụng công nghệ như vậy là xâm phạm. “Bây giờ các công ty không chỉ thao túng thời gian, mà còn thao túng cả cảm xúc của chúng tôi”, một người dùng viết trên Weibo.
Phần thưởng tài chính hấp dẫn
Song, mặc cho sự khắc nghiệt từ các quy tắc giám sát được áp dụng trong giới công nghệ Trung Quốc, phần thưởng tài chính hấp dẫn cho việc chịu đựng vẫn không ngừng thu hút các sinh viên mới tốt nghiệp trẻ tuổi, tài năng. Theo báo cáo thu nhập mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhân viên ngành internet đứng đầu với thu nhập trung bình hằng năm là 177.544 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ bằng khoảng 3.585 đồng) trong năm 2020, tăng 10% so với năm trước đó. Con số này vượt qua thu nhập trung bình của một nhân viên ngành tài chính và cao gấp đôi so với thu nhập của một công nhân trong lĩnh vực bất động sản. “Khi một công ty chi quá nhiều tiền cho nhân viên, họ sẽ cảm thấy họ có quyền tăng khối lượng công việc tùy thích”, một blogger tên Li viết.
Vì tính chất công việc tại các công ty internet cần nhiều kiến thức, không thể thúc đẩy năng suất bằng cách tăng thêm công nhân như trong mô hình sản xuất tiêu chuẩn. Cho nên, yêu cầu mỗi người làm việc nhiều giờ hơn vẫn là cách hiệu quả để hoàn thành công việc. Các công ty công nghệ lớn thậm chí còn chạy theo giờ làm việc tàn khốc hơn. ByteDance chỉ cho phép nhân viên nghỉ cuối tuần “chẵn lẻ”, nghĩa là cách một tuần mới được nghỉ cuối tuần một lần, và bù lại bằng lương gấp đôi. Tại Pinduoduo, nhân viên ở một số đơn vị mới được yêu cầu làm việc ít nhất 300 giờ một tháng.
Tony Yang, một cựu kỹ sư của ByteDance, đã nghỉ việc sau hai năm làm việc theo lịch trình “chẵn lẻ”. Anh làm việc từ 11 giờ sáng đến nửa đêm mỗi ngày và thường trực 24/7 để giải quyết các vấn đề về hệ thống. “Tôi cảm thấy không khỏe sau khi kết thúc công việc. Tôi bị thừa cân, thỉnh thoảng bị suy nhược tinh thần. Đôi khi, tôi đột ngột gào thét và muốn đập phá mọi thứ”.
Ngoài khối lượng công việc lớn, sự căng thẳng của Yang còn đến từ kỳ vọng cao. “Có quá nhiều câu chuyện giàu sang trong ngành này. Bầu không khí ấy khiến bạn cứ muốn leo lên mãi. Khi bạn thấy những người ở độ tuổi của mình đang đứng rất cao và bạn không đạt được như thế, thì sự căng thẳng là rất lớn. Mọi người đều nói ngành công nghiệp internet rất có vấn đề. Nhưng những lựa chọn khác dành cho chúng tôi là gì? Tôi không thể tìm thấy bất kỳ ngành nào có mức lương thưởng như những gì ngành internet cung cấp cho những người ở độ tuổi của tôi”.
Theo Jack Qiu, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, khi một ngành có tiềm năng phát triển lớn xuất hiện, các công ty sẽ có xu hướng đầu tư tất cả nguồn lực sẵn có, bao gồm cả con người và công nghệ, để phát triển doanh nghiệp mới. Ngành công nghiệp internet là ví dụ mới nhất. “Các công ty tìm cách tăng doanh thu cận biên, hay còn gọi là giá trị thặng dư, thông qua việc tăng giờ làm và cường độ lao động. Nhưng khả năng công nghệ cao hơn trong sản xuất không đồng nghĩa với việc người lao động sẽ có một cuộc sống thoải mái hơn”, ông Qiu nói.
Giống như quá trình phát triển các ngành công nghiệp mới trước đây, một số lượng lớn thanh niên sẽ bị thu hút vì họ có khả năng phục hồi thể chất, khả năng làm việc nhiều giờ và chưa có nhiều trách nhiệm với gia đình. “Nền kinh tế mới không khác quá nhiều so với nền kinh tế cũ về mức độ tích lũy của cải”, ông Qiu nhận xét.
Điểm tới hạn?
Có một điều trớ trêu là khối lượng công việc ngày càng tăng đang bắt đầu làm sợ nhân tài. David Yu đã nhận được lời mời làm kỹ sư từ Pinduoduo cách nay hai năm, với mức lương cao hơn gấp đôi so với số tiền mà anh nhận được ở công ty cũ. Ngoài ra, Pindoudou còn cung cấp cho Yu quyền chọn mua cổ phiếu. Tuy nhiên, chàng trai 27 tuổi vẫn quyết định từ chối sau khi nhận thấy anh phải tăng ca qua đêm nhiều lần trong tháng để theo dõi các lỗi hệ thống, bên cạnh lịch làm việc 13 giờ trong ngày và lịch nghỉ cuối tuần "chẵn lẻ".
Yu cũng không đồng ý với cách các công nghệ giám sát đang được áp dụng để theo đuổi hiệu quả và lợi nhuận hơn là hạnh phúc của nhân viên. Yu nói rằng, trên thực tế, rất ít công ty chủ động kết hợp mối quan tâm nhân đạo vào các thuật toán sản phẩm của họ, bởi vì thiết kế như vậy có xu hướng làm giảm hiệu quả của hệ thống và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Những lập trình viên như anh chỉ được hướng dẫn để lặp đi lặp lại hệ thống, qua đó giúp nhu cầu của khách hàng có thể được xác định chính xác hơn và đáp ứng trong thời gian ngắn hơn. “Chúng tôi cũng chỉ là công cụ”, Yu nói.
Một trường hợp khác là Danny Sun, sau 5 năm làm việc tại ba công ty internet, anh đã rút ra một kết luận: nó không đáng. Anh quyết định tránh xa các công ty internet, thay vào đó trở thành một blogger toàn thời gian tại nền tảng chia sẻ video Bilibili.
“Hiện nay ngày càng khó để được thăng chức khi có rất nhiều người mới tràn vào ngành. Thời điểm tốt nhất để làm việc cho các công ty công nghệ đã qua, vì hầu hết các công ty đã có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Điều đó có nghĩa là lợi nhuận tài chính cho nhân viên không còn sinh lợi như trước đây. Trừ khi bạn đã đạt đến một vị trí thực sự cao, nếu không tất cả chúng ta chỉ còn những ốc vít nhỏ của một cỗ máy lớn”, Sun nói.
Bình luận (0)