Theo Nikkei, Trung Quốc mới đây tiết lộ thông tin về việc sáp nhập hai công ty công nghệ lớn thuộc sở hữu nhà nước, trong bối cảnh chính phủ nước này đang tăng tốc hợp nhất các tập đoàn công nghệ lớn để có thể cạnh tranh tốt hơn với Mỹ và các đối thủ khác.
Cụ thể, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) hôm 23.6 cho biết đã phê duyệt việc hợp nhất Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group - CETG) và Tập đoàn Công nghiệp Thông tin Phủ Điền Trung Quốc (China Putian Information Industry Group), còn gọi là Potevio. Theo thỏa thuận Potevio sẽ trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của CETG. Một báo cáo truyền thông Trung Quốc đã mô tả động thái sáp nhập này như việc tạo ra một “tàu chiến công nghệ thông tin” hùng mạnh.
Được biết, cả CETG và Potevio đều nằm trong số những công ty được coi là trung tâm của Trung Quốc, một tập hợp có ít hơn 100 doanh nghiệp cốt lõi của nhà nước do SASAC trực tiếp giám sát. Theo SASAC, tài sản của nhóm này đạt 69.100 tỉ nhân dân tệ ( khoảng 10.710 tỉ USD) vào cuối năm ngoái. CETG đứng thứ 381 trong danh sách Fortune 500 với doanh thu hằng năm là 32,9 tỉ USD. Con số này được dự kiến sẽ vượt qua 50 tỉ USD sau khi sáp nhập.
Sáp nhập những gã khổng lồ công nghệ thành thực thể lớn hơn là một phần trong nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm thiết lập chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng, giảm phụ thuộc vào các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Bằng cách kết hợp CETG và Potevio, chính phủ đại lục đặt mục tiêu tập trung nhiều vốn hơn để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Theo Nikkei, CETG có mối quan hệ chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Công ty này cung cấp sản phẩm cho tất cả nhu cầu công nghệ thông tin của quân đội, bao gồm radar, các thiết bị điện tử và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Trong khi đó, điểm mạnh của Potevio nằm ở truyền thông không dây và bảo mật. Công ty cung cấp thiết bị viễn thông và chất bán dẫn cho các mạng chính phủ. Ngoài ra, Potevio cũng tham gia vào các lĩnh vực chiến lược khác, ví dụ cung cấp phần cứng và phần mềm cho các thành phố thông minh và dịch vụ sạc lại cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới. Theo thông tin trên trang web của CETG và Potevio, cả hai có tổng cộng 15 công ty giao dịch công khai, được niêm yết ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông.
“Sau khi sáp nhập, các nguồn lực nghiên cứu và phát triển của hai công ty có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Điều này cũng sẽ có lợi cho cả hai vì họ có thể tập trung vào việc tạo ra đột phá về công nghệ thiết yếu trong điện tử và công nghệ thông tin", Liu Xingguo, chuyên gia nghiên cứu tại China Enterprise Confederation, nói.
Trong khi tìm cách kết hợp các công ty trong các lĩnh vực liên quan để tăng quy mô, SASAC còn đang theo đuổi việc sáp nhập để giảm tổng số tập đoàn mà cơ quan này kiểm soát, hợp lý hóa hoạt động trong trung và dài hạn. Tháng 2.2021, Tổng thư ký của SASAC Peng Huagang chia sẻ với các phóng viên đã có 12 cặp sáp nhập các công ty trung ương trong giai đoạn lập kế hoạch kinh tế 5 năm cuối cùng cho đến năm 2020. Trong cuộc họp báo tương tự tại Bắc Kinh, người đứng đầu SASAC Hao Peng tuyên bố việc tái tổ chức các doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ tiếp tục trong giai đoạn 5 năm mới bắt đầu vào năm nay, nhằm tạo ra nguồn lực “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn” cho chính phủ và các công ty nhà nước.
Bình luận (0)