Quyết định chặn người dùng và các công ty truyền thông tại Úc được chia sẻ đường dẫn các bài báo, nội dung tin tức liên quan của Facebook trên nền tảng này đã vấp phải không ít phản ứng tiêu cực. Chuyện còn nghiêm trọng hơn khi hãng không rõ vô tình hay hữu ý đã khóa luôn quyền chia sẻ thông tin của các fanpage thuộc cơ quan quan trọng trong chính phủ, thậm chí khóa nhầm chính fanpage của hãng tại quốc gia này.
Động thái trên là cách Facebook phản ứng lại với dự luật mới vừa được thông qua tại Úc. Không chỉ mạng xã hội lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng, Google cũng nằm trong tầm ngắm và đã có thời điểm “gã khổng lồ tìm kiếm” dọa rời khỏi Úc, chấm dứt mọi hoạt động tại đây. Tuy nhiên cuối cùng hãng đã quyết định điều chỉnh hợp tác với các tổ chức truyền thông ở Úc để phù hợp với quy định mới.
William Easton - Giám đốc quản lý Facebook vùng Úc và New Zealand nói: “Luật mới đã hiểu nhầm mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các nhà xuất bản đang sử dụng Facebook để chia sẻ tin tức. Điều này khiến công ty phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: tuân theo luật dù bỏ qua thực tế khác biệt về mối quan hệ nói trên, hoặc dừng cho phép chia sẻ nội dung mới tại Úc. Với trái tim nặng trĩu, chúng tôi đành phải chọn phương án sau”.
Thủ tướng Úc Scott Morrison lập tức nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ không bị đe dọa bởi quyết định do “gã khổng lồ công nghệ” kia đưa ra. Ông Scott cho rằng động thái “hủy kết bạn với Úc” của Facebook là thói cư xử kiêu ngạo và đáng thất vọng.
Trong bài đăng trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Morrison cho rằng các công ty công nghệ có thể thay đổi thế giới này, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ nên vận hành thế giới.
“Tôi thường xuyên trao đổi với lãnh đạo các quốc gia khác về vấn đề này. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị các công ty công nghệ đe dọa”, ông Morrison cương quyết. Thủ tướng Úc lên tiếng kêu gọi Facebook hợp tác mang tính xây dựng với chính phủ, “như cách mà Google đã hành động gần đây”.
|
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg đánh giá quyết định cấm chia sẻ thông tin của Facebook có “tầm ảnh hưởng rất rộng tới cộng đồng”. Cụ thể, hiện có khoảng 17 triệu người Úc truy cập vào mạng xã hội này mỗi tháng. Theo Báo cáo tin tức số 2020 của Reuters, có khoảng 37% người dùng mạng xã hội cập nhật tin tức qua nền tảng này mỗi tuần, trong khi chỉ có 31% độc giả truy cập trực tiếp vào ứng dụng hay website của đơn vị thông tin truyền thông.
Trong khi đó, Thống đốc bang Tây Úc Mark McGowan lại cáo buộc Facebook “cư xử như độc tài”. Tây Úc là một vùng đất rộng lớn, chiếm tới 1/3 diện tích đất nước ở Nam Thái Bình Dương này, đồng thời là đơn vị hành chính lớn thứ nhì thế giới. Là người đứng đầu cơ quan hành pháp tại đây, ông Mark McGowan là một trong những người có tiếng nói và quyền lực lớn ở Úc.
Tất nhiên có nhiều triệu người Úc bất bình khi một sáng tỉnh dậy họ bỗng nhiên không thể vào Facebook để cập nhật thông tin từ các nguồn tin cậy.
Không chỉ gặp phản ứng dữ dội tại Úc, quyết định của Facebook cũng đang đối mặt với nhiều chỉ trích và đánh giá tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Julian Knight - người đứng đầu Ủy ban Quốc hội Vương quốc Anh chia sẻ quan điểm rằng “Facebook đang chơi trò bắt nạt như trẻ con”.
“Đây không chỉ là vấn đề về nước Úc. Facebook vừa đặt dấu mốc tuyên bố với toàn thế giới rằng "Nếu các ngài muốn giới hạn quyền lực của chúng tôi, chúng tôi có thể gỡ bỏ quyền lợi của rất nhiều người"", ông Julian Knight trả lời BBC.
Các cơ quan truyền thông, nhà xuất bản trên thế giới cũng phản ứng lại với sự kiện này. Tập đoàn truyền thông sở hữu báo Guardian tuyên bố “quan ngại sâu sắc” với tình hình hiện tại, trong khi người đứng đầu Hiệp hội Nhà xuất bản tin tức BDZV của Đức cho rằng “đây là thời điểm quan trọng để các chính phủ toàn cầu giới hạn quyền lực thị trường của các nền tảng đang nắm nhiều sức mạnh”.
Các nhà đầu tư rõ ràng cũng không hài lòng, khiến cổ phiếu Facebook liên tục giảm kể từ ngày 18.2 - thời điểm công ty áp dụng lệnh phong tỏa truyền thông Úc.
Bình luận (0)