YouTube sẽ mạnh tay với những kênh như Khá 'bảnh', Dương Minh Tuyền

05/04/2019 15:04 GMT+7

Nhiều kênh YouTube của "giang hồ mạng" như Khá "bảnh" (Ngô Bá Khá), Dương Minh Tuyền, Dũng "trọc"… nhởn nhơ kiếm tiền từ nền tảng này nhưng hãng chưa có được biện pháp triệt để trong việc kiểm duyệt nội dung bạo lực, tục tĩu.

Đầu tháng 4, vụ bắt giữ Ngô Bá Khá (Khá "bảnh") để phục vụ điều tra khiến cộng đồng mạng xôn xao bởi nhân vật này nổi tiếng nhờ YouTube, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới hiện nay. Khá có một kênh YouTube riêng với hơn 2 triệu người theo dõi, lượng xem lên tới 60 triệu lượt và được xem là “thần tượng” của giới trẻ. Đáng nói, nội dung các video trong kênh của Khá "bảnh" đều mang tính chất giang hồ, lời lẽ tục tĩu, chứa nội dung bạo lực.
Tuy nhiên, YouTube dường như “bỏ sót” việc xét duyệt nội dung, thay vì hạn chế lại bật tính năng kiếm tiền thông qua hiển thị quảng cáo trên video của Khá. Tại cơ quan điều tra, Khá "bảnh" khai nhận có tháng thu nhập từ YouTube lên tới 450 triệu đồng.
Ngay sau khi bắt giữ Khá và nhận nhiều phản ánh, cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu YouTube khóa, hạ kênh của Khá "bảnh" và hãng thực hiện việc này trong vòng chưa đầy 24 tiếng. Ít giờ trước đó, YouTube cũng tắt tính năng kiếm tiền trên kênh của Khá "bảnh".
YouTube cũng khóa thêm một kênh có nội dung bạo lực khác, tương tự Khá "bảnh", thuộc sở hữu của Dương Minh Tuyền, một “giang hồ mạng” khác tại Việt Nam. Tuyền không có nhiều lượt xem và theo dõi như Ngô Bá Khá, nhưng cũng thuộc kênh nổi tiếng và được bật tính năng kiềm tiền. Theo thống kê của SocialBlade, chủ kênh Dương Minh Tuyền có thể kiếm được khoảng 5.000 - 79.800 USD (116 triệu đồng - 1,86 tỉ đồng) mỗi tháng nhờ việc đăng video tục tĩu, chửi bới lên mạng.
Nhưng việc khóa các kênh có nội dung bạo lực, sử dụng ngôn từ tục tĩu mới chỉ dừng lại ở hai kênh trên. Thực tế, cộng đồng YouTube Việt Nam vẫn còn nhiều “nhà sáng tạo nội dung” chuyên đăng tải video như Khá hay Tuyền đang tồn tại, hoạt động mỗi ngày. Một số có thể kể đến như Phú Lê (943.000 người theo dõi), Ngân Trọc Official (147.000 người theo dõi), Dũng Trọc Hà Đông (54.500 người theo dõi)…
Những cái tên trên đều xuất hiện trong nhiều clip trên YouTube, đặc biệt có những clip “bình chọn” danh sách Top 10 giang hồ 2019 tại Việt Nam của các kênh ăn theo.
Hoặc một kênh khác của Hau Hoang (2,2 triệu người theo dõi) gần đây cũng xuất hiện video nhạc chế (hiện hơn 64 triệu lượt xem) lấy bối cảnh học đường nhưng nội dung và ngôn từ lại phản giáo dục. Nhân vật này sở hữu nhiều video lên tới vài chục triệu lượt xem chỉ trong vài tháng, cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng đối với một bộ phận cộng đồng YouTuber Việt Nam.
Dù có những nội dung được đánh giá là “không phù hợp”, có tác động tiêu cực tới nhận thức và tâm lý của giới trẻ, các kênh YouTube nói trên vẫn đang tồn tại và đều đặn sản xuất nội dung, thu hút người xem để thu về lợi nhuận. Trong lúc đó, YouTube không có biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn, thậm chí khâu kiểm duyệt đang bị buông lỏng.
Mới đây, đại diện YouTube đã phát đi thông báo chính thức về vấn đề liên quan tới kênh video của Khá "bảnh", khẳng định hãng đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt khi hành vi tiêu cực của một nhà sáng tạo làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng.
Ngoài ra, chia sẻ với Thanh Niên, phía bên Google còn cho biết: "YouTube có Chính sách cộng đồng nghiêm ngặt đối với những nội dung được phép lưu hành, và chúng tôi luôn kiểm tra những video được gắn cờ báo vi phạm Chính sách cộng đồng. Chúng tôi cũng thường xuyên gỡ bỏ các video và bình luận được cộng đồng đánh dấu vi phạm và trong nhiều trường hợp, chúng tôi sẽ khóa tài khoản của những người dùng vi phạm Chính sách".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.