Công nhân PouYuen nhiễm Covid-19: Nhiều người đi làm thì sợ dịch, ở nhà lo ‘chết đói’

11/06/2021 09:40 GMT+7

Những ngày qua, không khí tại các xóm trọ công nhân trầm lặng hơn vì nhiều nỗi bất an: Đi làm thì sợ dịch, ở nhà thì sợ đói. Đặc biệt khi công nhân Công ty PouYuen Việt Nam ở TP.HCM nhiễm Covid-19 , nỗi lo tăng lên bội phần.

Hơn 18 giờ, Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức) bắt đầu giờ tan tầm. Không còn đông đúc như mọi khi, số lượng người tan ca ít hơn vì hạn chế tụ tập đông người. Theo nhiều công nhân, các công ty ở đây chia thành nhiều ca làm với giờ giấc khác nhau để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Bắt đầu dẹp chợ tự phát giữa dịch Covid-19 quanh công ty PouYuen

Đi làm cũng nơm nớp lo sợ

Trong dòng người đang vội vã về nhà, chị Thanh Mai (28 tuổi, quê Đồng Tháp, là công nhân may làm việc tại đây) tâm sự không chỉ mình chị mà anh chị em cùng khu công nghiệp ai cũng lo lắng. “Mở mắt ra là thấy phong tỏa, có thêm ca dương tính. Nhưng vì cuộc sống thì vẫn làm thôi, không làm thì ai nuôi", chị nói.
Dưới những căn nhà trọ có phần lụp xụp ở khu lưu trú công nhân tại khu phố 4 (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), câu chuyện về ca nhiễm Covid-19 mới trở thành đề tài chính trong bữa cơm của nhiều gia đình.

Xóm trọ công nhân “ai ở nhà nấy” những ngày dịch bùng phát

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (31 tuổi, quê Cần Thơ) là một trong những công nhân về khu lưu trú này sớm nhất. Trên tay khệ nệ túi rau củ quả, chị đi vội vào nhà để kịp nấu bữa tối trước khi chồng đi làm về. Vẫn còn mặc trên người đồng phục của công ty, chị Thủy tranh thủ ngồi phía trước phòng trọ chơi với con gái, sẵn để nghỉ mệt.
Chị Thủy lên thành phố làm công nhân may hơn 10 năm. Sau khi lấy chồng, sinh con chị vẫn gắn bó với công việc cũ vì mang đến cho chị thu nhập nuôi sống gia đình.
Những ngày vừa qua, khi dịch bùng phát tại TP.HCM, chị tâm sự vẫn còn may mắn hơn nhiều người khi vẫn còn được đi làm. Mỗi tháng thu nhập của chị và chồng cộng với tiền của chồng làm thêm ở ngoài cũng vừa đủ để trang trải các chi phí trong nhà và nuôi các con.

Chị Thủy  lo lắng khi phải đi làm thời điểm này

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hơn 1 tuần nay, cứ lúc nào rảnh rỗi là chị lại đọc báo, lướt tin tức trên mạng xã hội để cập nhật tin tức về dịch bệnh. Lấy chiếc điện thoại trong túi, chị mở cho chúng tôi xem tin về một ca nhiễm mới ở Công ty PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) rồi thở dài: “Thấy mà tui sợ thiệt chứ không phải chơi đâu. Nghĩ tới việc mình làm công nhân trong công ty đông như vậy thấy lo lắm chứ vì lỡ mà có ca nhiễm thì khả năng lây lan cho nhiều người là rất cao”.

Nhiều người về sớm nên theo dõi thông tin dịch bệnh qua ti vi

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Từ lúc biết tin, chị mang theo nỗi lo đi khắp nơi. Tuy nhiên, nhờ đồng nghiệp trấn an và công ty cũng có những biện pháp để phòng chống dịch nên chị cũng nguôi ngoai phần nào.
Theo lời chị Thủy, nơi chị làm việc đã chia giờ làm của công nhân thành nhiều ca khác nhau, có người đến công ty lúc 6 giờ 30 phút sáng, có người thì 7 giờ, có người 8 giờ để hạn chế quá đông người tập trung cùng một lúc. Đó cũng là lý do mà hôm nay chị về sớm hơn nhiều người làm cùng, vì ca làm việc bắt đầu lúc 6 giờ 30 phút.
“Bây giờ, còn đi làm được cũng đã là một cái may mắn rồi, vì nhiều người muốn đi làm cũng có được đâu. Nhưng sợ thì vẫn sợ thôi, sợ vậy để mình còn biết đeo khẩu trang, biết giữ mình để không bị nhiễm Covid-19. Tôi nhiễm thì không có lo, lo là lo con cái còn nhỏ”, chị băn khoăn.

TP.HCM lấy 53.255 mẫu xét nghiệm Covid-19 ở khu công nghiệp, kết quả ra sao?

‘Đâu phải ai cũng có thể làm việc tại nhà'

Được sự chỉ dẫn của bảo vệ khu lưu trú, chúng tôi tìm đến khu dãy trọ có nhiều công nhân nhất. Gõ cửa căn phòng đang sáng đèn, chúng tôi được chị C.L (31 tuổi) mời vào phòng, chị C.L đang ăn vội bữa cơm tối sau khi đi làm về.
Chị L. kể lại 5 năm trước chị rời quê Trà Vinh lên TP.HCM làm công nhân được 2 năm sau đó về quê một thời gian rồi lại lên thành phố để làm công việc cũ. Chị cho biết hiện đang làm công nhân điện tử tại Khu công nghệ cao (Q.9, TP.HCM), hiện tại chị vẫn được làm việc bình thường nhưng không tăng ca.

Chị L. ăn vội bữa cơm sau khi tan tầm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tất cả số tiền kiếm được hằng tháng, chị L. chia thành nhiều phần, đóng tiền trọ, trang trải chi phí sinh hoạt và gửi về quê nuôi mẹ già. Dù đã tiết kiệm nhưng có tháng đủ, có tháng thiếu ngược thiếu xuôi. Làm công việc đứng máy tại dây chuyền sản xuất, chị Linh cho biết chị chỉ có thể làm tại công ty chứ không thể làm việc ở nhà.

Căn phòng được ở ghép 4 người để giảm bớt tiền thuê trọ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chung phòng với chị L., chị X. (quê Cà Mau) tâm sự bản thân cũng đứng tại dây chuyền sản xuất túi xách nên không thể làm việc ở nhà. Khi dịch bùng phát tại TP.HCM, mỗi ngày cả hai đều nơm nớp lo sợ vì có thể được thông báo phải tạm thời nghỉ làm bất cứ lúc nào.
Chị L. bày tỏ, nếu nghỉ làm mà được nhận hỗ trợ sẽ giúp cho công nhân “tháng nào xào tháng đó” như chị sẽ đỡ được phần nào. Nói chuyện một hồi, mắt chị L. đỏ hoe, tạm đặt chén cơm xuống bàn, chị kể lại vì là lao động chính trong gia đình nên nếu thất nghiệp không chỉ chị “đói” mà cả mẹ và bà nội ở nhà cũng “đói” theo. Bố mất sớm, chị L. lên thành phố làm việc quần quật để gửi tiền về quê vì nhà quá nghèo. 31 tuổi, ở độ tuổi nhiều người cho là quá lứa lỡ thì, chị L. vì gánh nặng gia đình mà chưa kết hôn. 
“Ở dưới cũng có khu công nghiệp nhưng ở xa nhà, cũng phải ở trọ, chi bằng lên đây lương cao hơn, giờ chỉ biết mang khẩu trang rồi hạn chế tiếp xúc nhất có thể để tự bảo vệ mình...”, chị thở dài.

Người dân hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu rón rén ăn mừng gỡ phong tỏa Covid-19

Ông Nguyễn Thanh Hùng (Bảo vệ thuộc tổ quản lý ở khu lưu trú) cho biết hiện tại 90% công nhân tại khu lưu trú đều có gia đình, những hộ này thường sẽ khó khăn hơn so với những công nhân còn độc thân.
Ông cũng cho biết thêm, năm 2020, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng để hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn 2 triệu đồng, gia đình đỡ khó khăn hơn thì 1,6 triệu. Những người độc thân phải nuôi cha mẹ ở quê sẽ được hỗ trợ khoảng 500.000 đồng kèm theo gạo vì mì gói.
“Ở đây phòng 32m2 giá thuê 1,8 triệu, mười mấy năm nay không thay đổi. Đa số công nhân tại khu chế xuất chỉ làm việc 3 ngày 1 tuần, số ngày nghỉ thường bị trừ vào nghỉ phép. Từ khi dịch bùng phát cũng chưa ai trả phòng cũng không có tiền để về nên ở lại đây thôi, lay lắt qua ngày”, ông cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.