'Cống nhân': Tiểu thuyết lịch sử cuối cùng của nhà văn - đạo diễn - NSƯT Văn Lê

08/09/2020 11:21 GMT+7

Với nhà văn - đạo diễn - NSƯT Văn Lê, kể sử qua văn chương là một khuynh hướng trong những tác phẩm của ông. Và Cống nhân, tiểu thuyết lịch sử được lấy cảm hứng từ đời Trần, đã được ông viết bằng nhiệt tâm sôi nổi ấy.

Cống nhân là tác phẩm mới nhất, cũng là cuối cùng của đạo diễn - nhà văn - NSƯT Văn Lê; được tác giả lấy cảm hứng từ lịch sử đời Trần - giai đoạn nhà Trần suy vong, đứng trước nguy cơ rơi vào tay Hồ Quý Ly.

Sinh thời, nhà văn Văn Lê chia sẻ khi viết Cống nhân: “Tôi muốn gửi gắm tinh thần cao thượng của một (cống nhân) lương y đã vượt trên tất cả sự thù hằn, tinh thần kiên cường bất khuất của người Đại Việt xưa”

Ảnh: Q.M

Cống nhân viết về số phận đầy sóng gió của hai cha con Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang - một vị thiền sư, một lương y tài năng. Ngài xuất gia sau khi người vợ yêu quý của mình mất sớm.
Sau lần bất ngờ gặp lại người vợ đã mất - đã trở thành một mỹ nhân ngư, ít lâu sau, một bé gái được gửi đến chùa cho Tuệ Quang. Tin rằng đó là con gái ngài với người vợ đã mất, ngài đặt tên Thị Duyên cho cô bé. Khi Thị Duyên lớn và thành một thiếu nữ xinh đẹp, cha con Tuệ Quang cùng nhiều người dân khác bị cống nạp cho người Bắc phương…
Lấy ý tưởng từ tấn thảm kịch khuất tất trong lịch sử: cống nhân - tục cống người ở nước ta sang Bắc phương vào đời nhà Minh ở Trung Quốc, qua ngòi bút của mình, Văn Lê làm toát lên thân phận nhỏ nhoi, cay đắng của con người trong thân phận cống nhân. Vì thế, tiếng kêu của nhân quyền như chạy dọc xuyên suốt toàn tác phẩm.
Một thiền sư - lương y Tuệ Quang trong chuyến đi được phép trở về cố hương, ngang qua vùng đất Chiết Giang, nhìn thấy bá tánh chịu cơn bệnh dịch đậu mùa, đã không thể bỏ mặc. Ông quyết định ở lại chữa trị, bằng tất cả tấm lòng và dốc toàn sức lực, đến kiệt sức rồi chết khi chưa kịp trở về quê nhà. Lời cuối cùng trước khi chết, ông nói với xã trưởng rằng: “Nếu có ai ở An Nam sang thì cho tôi về theo với”.
Khi con gái nuôi Thị Duyên sang đấy, người dân kể cho nàng câu chuyện về vị thiền sư, biết được cha mình, càng nghe được nguyện vọng tha thiết cuối đời của cha nhưng nàng nghĩ khác đi khi không muốn đưa xác cha về nữa. “Hãy cứ để ở đấy, tấm bia đó để cho người Bắc phương nhìn thấy và biết được thân phận của người làm nô lệ”.
Sinh thời, nhà văn Văn Lê chia sẻ khi viết Cống nhân: “Tôi muốn gửi gắm tinh thần cao thượng của một (cống nhân) lương y đã vượt trên tất cả sự thù hằn, tinh thần kiên cường bất khuất của người Đại Việt xưa”.
Với óc quan sát tỉ mỉ lịch sử, văn hóa, phong tục Việt Nam đời nhà Trần cùng những hiểu biết phong phú về đông dược, Văn Lê, qua giọng văn thuần chất lịch sử pha trộn màu sắc huyền ảo, đã làm cho chất sử trong Cống nhân vừa thăng hoa, vừa hòa điệu cùng dân tình non nước và lớp người bình dị...

Nhà văn - đạo diễn Văn Lê đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 15 tiểu thuyết và được phong NSƯT từ những cống hiến cho lĩnh vực điện ảnh

Ảnh: T.L

Nhà thơ - nhà văn - nhà biên kịch - đạo diễn, NSƯT Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2.3.1949, quê ở Ninh Bình. Ông đã đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ vào ngày 6.9 tại nhà riêng ở TP.HCM. Nghe tin dữ, nhà văn Phan Hoàng không khỏi bàng hoàng: “Quá đau buồn... Văn Lê là nhân cách lớn, cây bút tài hoa hàng đầu về tiểu thuyết, thi ca, điện ảnh, người anh thân thiết hết lòng với anh em văn trẻ. Vĩnh biệt một trong những bậc đàn anh đáng kính trọng nhất của làng văn nghệ”. Cùng với những giải thưởng văn chương, NSƯT Văn Lê đã 3 lần đoạt giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông sen vàng, 5 giải Bông sen bạc, 2 giải Cánh diều vàng, 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.