NSƯT Văn Lê đã về cõi vĩnh hằng vào 20 giờ 45 phút ngày 6.9 sau một cơn đột quỵ, để lại nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh có giá trị cùng bao tiếc thương cho nhiều thế hệ độc giả, khán giả. Lễ viếng ông diễn ra tại nhà riêng số 28 đường Văn Chung, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Nhà văn Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2.3.1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng năm 1974. Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng rồi tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu.
|
Ông xuất thân là nhà thơ sau chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim, đạt nhiều thành tựu. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 12 tiểu thuyết và được phong Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn TP.HCM khóa IV, Ủy viên Hội đồng Thơ khóa V, VI.
|
Thơ ca và văn chương trong tác phẩm của ông phần lớn xoay quanh thân phận con người trong chiến tranh như một cách giải tỏa ẩn ức, bức bối của chính mình. Trong đó nhiều tác phẩm văn chương của ông đã để lại những ấn tượng sâu đậm cho độc giả và gặt hái không ít giải thưởng.
Tập thơ Phải lòng của ông đã đoạt Giải A về đề tài chiến tranh cách mạng Hội Nhà văn VN năm 1994. Những cánh đồng dưới lửa đoạt Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1999.
|
Tiểu thuyết Phượng hoàng nhận giải A đầu năm 2015 trong cuộc thi viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức trong 5 năm (2009 – 2014). Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được ông viết trong vòng 6 tháng, đoạt giải B (không có giải A) về Văn học chiến tranh do Bộ Quốc phòng tổ chức 5 năm (2004 – 2009), giải nhất Giải thưởng Văn học TP.HCM 5 năm (2006 – 2011). Mùa hè giá buốt được viết ra từ chính ký ức của nhà văn Văn Lê, như một cách nhìn lại lịch sử. Ở đó, có những mảnh hiện thực khắc nghiệt, xót xa, có lằn ranh giữa sống và chết và có cả một mùa hè giá buốt tâm hồn với những người còn sống hoặc đã hi sinh.
|
Chia sẻ về lý do thường sáng tác về các đề tài chiến tranh, nhà văn Văn Lê từng cho biết: “Chiến tranh là đề tài lớn. Với Việt Nam nó còn rất lớn, vì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc suốt 4.000 năm là trải qua liên miên những cuộc chiến tranh, không chỉ có hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm nào ở nước ta cũng có vài đầu sách viết về chiến tranh, nhưng đa phần chỉ là mô tả cuộc sống, thiếu "chiến tranh", nên trong chừng mực nào đó làm cho bạn đọc khó tính thất vọng. Người đọc muốn thông qua tác phẩm hiểu thêm lịch sử, tìm ra bài học lịch sử… điều đó ít có trong tác phẩm của ta, nên ý nghĩa của tác phẩm không thuyết phục được. Lịch sử là sự kiện, cả tốt và xấu, trong tác phẩm văn học nếu chỉ có một khía cạnh thì chưa phải là viết hết. Và đúng thế, phần lớn các tác phẩm viết về chiến tranh của ta vẫn chưa viết hết về chiến tranh… Theo tôi, chiến tranh đâu đơn giản là ra trận hai bên bắn nhau. Nếu chỉ viết "ta thắng địch thua" là sai sự thật, là chính ta làm giảm ý nghĩa chiến thắng của ta. Tôi nghĩ đến hôm nay viết về chiến tranh phải đúng gương mặt của chiến tranh”.
|
Bên cạnh thơ ca, văn chương, nhà văn Văn Lê cũng rất thành công trong vai trò biên kịch và đạo diễn. Ông không chỉ biên kịch bộ phim truyện điện ảnh Long thành cầm giả ca nổi tiếng mà còn là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu và tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng như giải Cánh diều vàng cho biên kịch xuất sắc nhất (phim Long thành cầm giả ca, năm 2011), giải Cánh diều vàng bộ phim tài liệu truyền hình xuất sắc nhất (Họ hy sinh vì Tổ quốc, năm 2007).
Sự ra đi của nhà văn-đạo diễn-nhà biên kịch-NSƯT Văn Lê là một tổn thất to lớn đối với nền văn chương và điện ảnh Việt Nam.
Bình luận (0)