‘Công phá’ sức ì công chức

25/07/2016 05:52 GMT+7

TP.HCM đang triển khai quy trình liên thông điện tử giữa các sở ngành, quận, huyện nhằm tránh việc trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Một cửa điện tử
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, từ ngày 1.1.2014 đến tháng 7.2016, TP.HCM có đến hơn 1 triệu văn bản điện tử trao đổi qua mạng giữa 383 đơn vị hành chính. Về tình hình xử lý hồ sơ từ 1.1.2016 - 20.7.2016, các sở ngành, quận, huyện tiếp nhận 136.162 hồ sơ. Tuy đã giải quyết đúng hạn đến 121.094 hồ sơ (tỷ lệ đạt 86%) nhưng vẫn còn đến 15.068 hồ sơ bị trễ hẹn, trong đó chỉ duy nhất UBND Q.1 không có hồ sơ trễ hẹn, còn lại 23 quận, huyện, các sở ngành đều có hồ sơ bị trễ.


Khi TP chính thức áp dụng mô hình liên thông điện tử, nếu quận, huyện, sở ngành nào vẫn còn trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ hành chính, thì lãnh đạo UBND TP sẽ đứng ra xin lỗi người dân, nhưng chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc sở ngành đó chắc chắn phải bị kỷ luật

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM


Đáng chú ý, UBND H.Bình Chánh chỉ có 58 hồ sơ đúng hẹn nhưng có tới 218 hồ sơ trễ hẹn, UBND Q.7 trễ hẹn 1.253 hồ sơ, UBND Q.Bình Tân trễ hẹn 2.083 hồ sơ, UBND Q.Tân Phú trễ hẹn 1.066 hồ sơ, UBND Q.Tân Bình trễ hẹn 928 hồ sơ; Sở GTVT có đến 3.282 hồ sơ trễ hẹn, Sở Y tế có 202 hồ sơ trễ hẹn, Sở Xây dựng có 101 hồ sơ trễ hẹn, Sở QH-KT có 311 hồ sơ giải quyết đúng hẹn thì cũng có đến 300 hồ sơ bị trễ hẹn...
Đánh giá về kết quả này, chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), nói: “Chúng ta cứ nói hoài chuyện cải cách hành chính, nhưng rõ ràng sức ì vẫn còn rất lớn. Sức ì này xuất phát từ tinh thần trách nhiệm kém, thiếu kiểm tra giám sát, thiếu kỷ cương, bệnh vô cảm của công chức...”. Theo ông Sơn, nền hành chính hiện nay vận hành thiếu hoặc không áp dụng nghiêm một “công nghệ hành chính” tiên tiến.
Về vấn đề này, trả lời Thanh Niên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, điển hình như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đăng ký hồ sơ trực tuyến, nộp và nhận kết quả hồ sơ qua bưu điện... Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp vì hồ sơ hành chính trễ hẹn vẫn còn nhiều.
Theo ông Tuyến, vừa qua TP.HCM tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình trung tâm hành chính công tại tỉnh Quảng Ninh và TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ thực tiễn khảo sát cho thấy việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính công để tập hợp các sở ngành ở TP.HCM về một đầu mối là rất khó. “Từ thực tế này, TP thực hiện một giải pháp đột phá là thực hiện mô hình Một cửa điện tử. UBND TP đã giao Sở TT-TT phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tư pháp... triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh liên thông điện tử giữa các sở ngành, quận, huyện. TP sẽ ban hành quy định việc thực hiện hỏi ý kiến và trả lời bằng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức”, ông Tuyến cho biết.
Năm 2017 liên thông tất cả các thủ tục hành chính
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết thêm: “TP đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ, tăng tốc độ đường truyền, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và phản ứng nhanh trước các sự cố an ninh mạng, đảm bảo tính bảo mật đường truyền cao để chống xâm nhập, giả mạo. Hiện tất cả các sở ngành, quận, huyện của TP đã đăng ký chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước với Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ để kiểm soát, quản lý”.
Theo bà Trinh, khi giải quyết hồ sơ hành chính, việc hỏi ý kiến giữa sở ngành, quận, huyện, thay vì sử dụng văn bản giấy và gửi bằng đường bưu điện như lâu nay, thì sắp tới sẽ sử dụng văn bản điện tử gửi qua mạng và các cơ quan, đơn vị dùng chữ ký số (đã đăng ký) để xác nhận trên hệ thống, rút ngắn thời gian. Hồ sơ hành chính sau khi được tiếp nhận từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại bất kỳ sở ngành, quận, huyện nào đều được chuyển thành “tài liệu điện tử”, được lưu trữ trên hệ thống mạng dữ liệu chung và các cơ quan quản lý nhà nước TP sẽ sử dụng cho công tác cấp phép, cũng như công tác quản lý.
“Trước mắt trong quý 3 và năm 2016 sẽ thực hiện liên thông giữa các cơ quan nhà nước đối với thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế (Sở KH-ĐT, Cục Thuế TP), thủ tục cấp thẻ doanh nhân APEC (Sở KH-ĐT, Công an TP, Sở Công thương, Cục Hải quan TP, BHXH TP, Cục Thuế TP, Sở LĐ-TB-XH), thủ tục cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Sở TN-MT, UBND quận, huyện...). Trong năm 2017 sẽ tiến tới liên thông tất cả các thủ tục hành chính”, bà Trinh cho biết.
Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Việc liên thông điện tử để giảm thời gian đi lại của người dân, từng bước bỏ những thủ tục giấy tờ chuyển qua chuyển lại bằng đường văn thư, thay vào đó là liên thông điện tử, dùng chữ ký số, giúp cho lãnh đạo TP kiểm soát được bộ máy của mình, đồng thời chấn chỉnh thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn”.

Lãnh đạo TP xin lỗi thì cấp dưới chắc chắn bị kỷ luật

Ông Tuyến cho biết UBND TP đã có văn bản quy định rất rõ là người đứng đầu đơn vị phải ký văn bản xin lỗi, chứ không giao cho cấp dưới xin lỗi thay. Cuối tháng 7 này, UBND TP lập đoàn kiểm tra việc thực hiện ở các quận, huyện, sở ngành. “TP có đường dây nóng của Thành ủy, UBND TP rồi, những trường hợp trễ hẹn mà người dân, doanh nghiệp phản ánh, chúng tôi kiểm tra lại, nếu như không có thư xin lỗi thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND TP”, ông Tuyến nói và khẳng định thêm: “Khi TP chính thức áp dụng mô hình liên thông điện tử, nếu quận, huyện, sở ngành nào vẫn còn trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ hành chính, thì lãnh đạo UBND TP sẽ đứng ra xin lỗi người dân, nhưng chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc sở ngành đó chắc chắn phải bị kỷ luật”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.