Công tác xã hội trong trái tim tôi:

Chuyến tình nguyện về miền Trung năm ấy...

29/04/2024 07:00 GMT+7

Cứ mỗi khi nghe tin miền Trung bão lũ, tôi lại da diết nhớ về chuyến tình nguyện đến tỉnh Quảng Bình làm công tác xã hội năm ấy. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên…

Cuối năm 2016, tôi là một trong 20 thành viên của đoàn tình nguyện tham gia Hành trình "Vì miền Trung ruột thịt" do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức, đến với mảnh đất quê hương của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đoàn tình nguyện của Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thăm hỏi, trao quà cho thầy và trò Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Đoàn tình nguyện của Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thăm hỏi, trao quà cho thầy và trò Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

THANH TÚ

Vượt qua hành trình hơn 1.000 km, đoàn công tác thiện nguyện đã đến các thôn thuộc xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để trao tận tay những phần quà và sẻ chia khó khăn, mất mát với đồng bào bị ảnh hưởng trong đợt lũ lịch sử năm ấy. Những món quà là nhu yếu phẩm, quần áo… do cán bộ, giảng viên, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, các nhà hảo tâm… của trường quyên góp, ủng hộ.

Lần đầu tiên đặt chân đến một địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ở vùng biên giới miền Trung giáp nước bạn Lào, có đồng bào dân tộc Rục sinh sống, chúng tôi không khỏi rưng rưng xúc động.

Trong đợt lũ năm ấy, đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng ngập sâu trên diện rộng từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm địa bàn. Nơi ngập sâu nhất là hơn 4 m. Tổng cộng có gần 190 nhà dân bị ngập, 3 bản bị cô lập, chia cắt hoàn toàn...

Tôi nhớ mãi ánh mắt trong veo của những cháu bé, các em học sinh hay khoảnh khắc người dân khó khăn, cụ già khuyết tật… dang tay đón nhận những tấm lòng bằng đôi mắt của sự biết ơn. Nhớ những cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Cà Xèng đã hỗ trợ đoàn hết sức nhiệt tình.

Đoàn công tác cũng đã đến thăm, giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Cà Xèng. Đơn vị này quản lý đoạn biên giới VN - Lào dài 31,5 km (gồm 7 cột mốc) và có nhiều đóng góp, giúp đỡ đồng bào xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa. Dù lần đầu gặp gỡ, nhưng tất cả thành viên trong đoàn đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các chiến sĩ nơi đây.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi có bữa cơm thân mật cùng anh em chiến sĩ và tham dự buổi giao lưu văn nghệ ấm tình quân dân. Đoàn đã đáp lại tình cảm ấy bằng những phần quà, điệu đàn, tiếng hát. Tuy "cây nhà lá vườn" nhưng đầy ý nghĩa.

Giữa cái giá lạnh của không gian núi rừng biên giới, lặng nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng vượn hú từ cánh rừng nơi biên cương vọng vào, tôi thấu hiểu hơn sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ công tác xa nhà… Tất cả vì sứ mệnh cao cả đối với đất nước.

Sáng hôm sau, cuộc chia tay với người dân Quảng Bình của chúng tôi diễn ra thật bịn rịn. Ngồi trên xe từ từ lăn bánh mà tất cả thành viên trong đoàn công tác đều ngoái đầu lại, nhìn theo những cánh tay vẫy nghẹn ngào, lưu luyến của thầy cô giáo, các em học sinh, cụ già, cán bộ, chiến sĩ Đồn Cà Xèng…

Nhớ mãi những giọt nước mắt xúc động của đồng bào nơi đây tiễn chúng tôi… Nhớ lắm những cái bắt tay, những cái ôm sụt sùi tình nghĩa giữa trời mưa lâm thâm. Giây phút ấy thực sự thiêng liêng!

Ngày đoàn công tác rời đi, miền Trung lại chìm trong lũ. Nhưng tất cả đều tin rằng, đồng bào nơi đây vẫn luôn lạc quan, kiên cường đối mặt với thiên tai. Từng chuyến xe, triệu trái tim nhân ái cả nước vẫn luôn dõi theo, sẵn sàng lên đường, quyên góp, chia sẻ khó khăn với "khúc ruột quê hương".

Đoàn tình nguyện đến thăm và trao quà cho người dân Quảng Bình

Đoàn tình nguyện đến thăm và trao quà cho người dân Quảng Bình

THANH TÚ

Những hoạt động mang đầy tính nhân văn, việc làm chia sẻ khó khăn với nhiều người bằng tinh thần "lá lành đùm lá rách" như thế là kim chỉ nam trong các hoạt động mà Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM luôn đề cao. Đó không chỉ đơn thuần là một chuyến đi tình nguyện mà là sự trải nghiệm lớn với bản thân tôi. Chuyến đi đã giúp tôi hiểu được trên đất nước mình, cuộc sống còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần được sự giúp đỡ. Đó còn là những kỷ niệm đẹp của thời sinh viên, thời tuổi trẻ trong hoạt động công tác xã hội mà tôi không bao giờ quên.

Hiện tại, những người dân miền biên giới mà tôi gặp chắc hẳn đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ nhận được sự giúp đỡ của nhiều tấm lòng thơm thảo từ khắp mọi miền Tổ quốc. Các em học sinh được chúng tôi trao quà năm xưa chắc hẳn đã lớn và trưởng thành. Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng khi ấy có người đã xuất ngũ, có người luân chuyển công tác... Thế nhưng, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc để ôn lại những kỷ niệm. Hằng năm, tới ngày kỷ niệm chuyến đi, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau qua Facebook những tấm ảnh lưu niệm, kể lại những câu chuyện của lần gặp gỡ năm ấy. Ai nấy đều bồi hồi khi nhắc lại ký ức về lần mình làm được một việc ý nghĩa…

Nhất định sau này, tôi sẽ thực hiện chuyến đi "về nguồn" để thăm lại những người dân miền Trung, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Cà Xèng năm ấy. Tôi tin những người dân miền Trung chất phác, tình nghĩa ấy vẫn còn nhớ chúng tôi...

Mời tham gia cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi" do Báo và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN phát động, để tôn vinh, ca ngợi về ngành công tác xã hội, lan tỏa hình ảnh về những tấm gương đang làm công tác xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội và các nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng...

Cuộc thi bắt đầu từ ngày 12.4 - 31.7.2024. Mời bạn đọc tham gia cuộc thi để có cơ hội nhận được những phần thưởng giá trị. Trong đó: Cuộc thi viết: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (8 triệu đồng/giải); 3 giải ba (6 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng Thanh Niên Online): 5 triệu đồng. Cuộc thi ảnh online: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 1 giải nhì (8 triệu đồng); 1 giải ba (6 triệu đồng); 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải ảnh dự thi được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng Thanh Niên Online): 5 triệu đồng. Thông tin chi tiết xem tại thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.