Công trình lấn biển Mũi Né: 'Lạc đà chui lọt lỗ kim' ?

08/12/2021 07:07 GMT+7

Hôm 6.12, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong, yêu cầu kiểm tra, xử lý công trình lấn biển Mũi Né có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Một công trình kiên cố lấn biển Mũi Né có dấu hiệu vi phạm pháp luật vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cấp dưới kiểm tra, xử lý khiến nhiều bạn đọc đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.

Như Thanh Niên đã thông tin, hôm 6.12, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong, yêu cầu kiểm tra, xử lý công trình lấn biển Mũi Né có dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư Resort Hải Âu (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết).

Công trình lấn biển Mũi Né này có dấu hiệu vi phạm pháp luật

V.Q

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND TP.Phan Thiết chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn đối chiếu hồ sơ cấp phép dự án của resort này. Trong trường hợp công trình vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, Phòng Quản lý đô thị TP.Phan Thiết đã phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng Bình Thuận đến hiện trường kiểm tra công trình xây dựng kiên cố, rộng hàng trăm mét vuông nhưng không có giấy phép và lấn ra biển, có dấu hiệu vi phạm luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Mọc lên giữa “thanh thiên bạch nhật”

Liên quan vụ việc nêu trên, bạn đọc (BĐ) Viet Dung nêu ý kiến: “Theo hình ảnh mà Báo Thanh Niên đăng tải cũng như nhận định ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, công trình này kiên cố, quy mô, không phải “con kiến”, mà cỡ “lạc đà”. Vậy nên thắc mắc vì sao lạc đà lại có thể chui qua được lỗ kim?”.

“Khu du lịch quốc gia Mũi Né đang được quy hoạch chi tiết theo từng phân khu. Do vậy, một công trình kiên cố có dấu hiệu phá vỡ cảnh quan, quy hoạch như trên mọc lên và lãnh đạo của tỉnh này phải yêu cầu cấp dưới kiểm tra, xử lý (nếu có sai phạm), không thể xem là bình thường. Là một người dân sống tại TP.Phan Thiết, tôi đã theo dõi rất kỹ các động thái của cơ quan chức năng xung quanh quản lý, khai thác cảnh quan, đặc biệt bãi biển tại Mũi Né. Có thời gian một số chủ đầu tư lấy lý do sợ bãi biển bị xâm thực, mất bờ cát... đã làm kè mềm để tạo bãi cát. Điều này bị dư luận cho rằng mất mỹ quan và phản ứng… Do vậy, công trình không phép, có dấu hiệu lấn biển này không khỏi khiến nhiều người dân Phan Thiết thấy bất ngờ. Tại sao một công trình kiên cố như thế lại có thể thành hình giữa “thanh thiên bạch nhật” như vậy? Trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng địa phương thế nào?... Dư luận đang rất mong chờ cơ quan chức năng làm rõ”, BĐ Cuong Nguyen nêu.

Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

Nguyễn Thanh Hải bày tỏ: “Là một người rất quý các di sản, kiến trúc, cảnh quan du lịch, theo tôi nếu sau thời gian kiểm tra thủ tục pháp lý của công trình, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nếu đây là công trình vi phạm, cơ quan chức năng TP.Phan Thiết nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung phải kiên quyết yêu cầu chủ thể vi phạm ngoài việc nộp phạt, khắc phục hậu quả, còn phải trả lại hiện trạng. Một số vụ việc đã được phanh phui trên các phương tiện truyền thông cho thấy có nơi không hiểu vì sao lại áp dụng hình thức “phạt và cho tồn tại”. Riêng đối với công trình có dấu hiệu lấn biển, phá vỡ cảnh quan ở Mũi Né này, đề nghị cơ quan chức năng xem xét đã là vi phạm luật thì phải xử lý dỡ bỏ”.

Cũng ở TP.Phan Thiết, hãy nhìn bài học về những phức tạp, khó khăn khi xử lý Trần Thị Ngọc Nữ (bị án, đang thụ lý bản án về tội gây rối trật tự công cộng, xảy ra tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận từ năm 2018) lấn chiếm đất trái phép ở Mũi Né. Hai vụ việc tùy mức độ và tính chất khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là sự sâu sát, quản lý địa bàn của cơ quan chức năng.

Nam Chau

Mũi Né là khu du lịch quốc gia, do vậy cần sự giám sát kỹ của cơ quan chức năng địa phương. Chính quyền địa phương nợ dư luận một câu trả lời cho câu hỏi lớn: Vì sao công trình kiên cố có dấu hiệu vi phạm pháp luật như thế lại có thể mọc lên?

Trần Nhi

Động thái của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu kiểm tra, xử lý nếu có sai phạm là rất kịp thời. Tuy nhiên, theo nhiều BĐ, ở góc độ quản lý nhà nước, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm giám sát, phân công quản lý địa bàn của cơ quan chức năng địa phương. Dù công trình vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng hay vi phạm luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo thì một điều không thể chối cãi là sẽ rất khó thuyết phục người dân nếu không chỉ rõ trách nhiệm vì sao lại để công trình kiên cố này mọc lên và lấn biển.

“Không thể phủ nhận du lịch Mũi Né trước thời điểm dịch Covid-19 đã thu hút khá nhiều khách du lịch quốc tế và trong nước. Khách đến địa phương này ngoài việc bị hấp dẫn bởi cảnh quan biển, còn bởi những bãi cát trắng, dài làm nên thương hiệu của du lịch Mũi Né trong nhiều năm qua. Cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và xử lý nghiêm khắc. Du lịch Mũi Né có tiếp tục hấp dẫn được du khách hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ quan chức năng có làm tròn trách nhiệm quản lý. Cụ thể, không để cá nhân, doanh nghiệp xâm hại, phá vỡ cảnh quan Mũi Né”, BĐ Hoang Lam Le đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.