Công ty Việt Nam bị YouTube xóa hơn 3.000 video, tiếp tục kêu oan về bản quyền

Công ty Việt Nam bị YouTube xóa hơn 3.000 video, tiếp tục kêu oan về bản quyền

Phương Thúy
Phương Thúy
01/08/2023 17:48 GMT+7

Sconnect, công ty Việt Nam sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo, tiếp tục kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Việt Nam để hỗ trợ trao đổi với YouTube. Trước đó, YouTube đã xóa hàng ngàn video Wolfoo với lý do vi phạm bản quyền dù cho nhà sản xuất nói không vi phạm.

Trong báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng tại Việt Nam cuối tháng 7, Sconnect cho biết các video bị nền tảng của Google gỡ bỏ với lý do vi phạm bản quyền hình ảnh và âm thanh.

Theo đó, đơn vị đề nghị các cơ quan hỗ trợ trao đổi với Google và YouTube ngừng tiếp nhận và chấp thuận các yêu cầu đánh bản quyền các video Wolfoo thiếu căn cứ từ phía Entertainment One UK Limited tại Vương quốc Anh, gọi tắt là EO. Đồng thời đề nghị Google, YouTube tôn trọng và tuân theo pháp luật Việt Nam.

Cuộc chiến pháp lý về vấn đề bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo, do Sconnect Việt Nam sở hữu và Peppa Pig do EO sở hữu, kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay. Cả hai bên chưa ngừng việc khởi kiện lẫn nhau tại các tòa án ở Nga, Anh và Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, Sconnect đã hai lần bị EO “đánh gậy bản quyền". Cụ thể, vào tháng 4.2023, EO đã báo cáo bản quyền nhiều video Wolfoo của Sconnect với lý do sử dụng hình ảnh, bối cảnh trong video Peppa Pig vào video Wolfoo. Dù EO không cung cấp bằng chứng rõ ràng về vi phạm, YouTube vẫn gỡ bỏ hoặc xóa hơn 3.000 video Wolfoo khỏi nền tảng. Trong tháng 7, EO đã tiếp tục báo cáo bản quyền 18 video Wolfoo với lý do Sconnect sử dụng âm thanh trong video Peppa Pig. Phần âm thanh bị cho là vi phạm gồm các câu cảm thán như "oh", "wow", "hmm" kéo dài khoảng một giây mỗi video.

Theo luật sư Phạm Văn Anh, Trưởng phòng Pháp chế của Sconnect, khung cảnh, bối cảnh trong video Wolfoo đều do nhân sự Sconnect tạo ra, âm thanh thu âm trực tiếp từ diễn viên lồng tiếng người Việt. Tất cả được tạo ra dựa trên nguyên liệu và nguyên tắc sáng tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc EO báo cáo vi phạm bản quyền và YouTube chấp thuận, dẫn đến xóa bỏ là không có căn cứ và không hợp pháp.

Sconnect đã gửi văn bản tới Cục Bản quyền tác gia trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam đề nghị can thiệp vấn đề trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.