Myanmar ‘chật vật’ phân biệt thật giả thông tin về Covid-19

10/01/2021 10:29 GMT+7

Trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động xác thực thông tin tại Myanmar đã phát triển đáng kể trước thực trạng thông tin sai lệch và các phát ngôn gây hận thù “bủa vây” các phương tiện truyền thông, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 .

Hàng loạt tin giả như uống rượu, nước gừng sẽ khỏi Covid-19, hay ăn lá cây sầu đâu có thể ngừa dịch bệnh... tràn lan trên mạng xã hội Facebook tại Myanmar, khiến nhiều nhóm kiểm tra sự thật tại nước này phải nỗ lực hoạt động. Người dùng có tên Pa Pa, 30 tuổi tại Yangon, thuật lại: “Không chỉ có thế, những thông tin sai được lan truyền nhiều còn là ăn trứng hoặc đọc thần chú có thể khỏi hoàn toàn khi mắc Covid-19”.

Mạng xã hội - cụm phát tán tin giả

Môi trường truyền thông bất ngờ cởi mở hơn của Myanmar, đi kèm với quá trình chuyển đổi chính trị của đất nước từ chế độ quân sự từ năm 2012, đã tạo điều kiện cho các cuộc bàn luận công khai trên không gian mạng phát triển. Nhưng việc sử dụng Internet nhanh chóng với ít kinh nghiệm tiếp cận cũng khiến người dân Myanmar rơi vào vòng xoáy tin giả trực tuyến, nhất là trên các mạng xã hội. Điều này phần nào giải thích lý do “mức độ thông hiểu truyền thông của Myanmar vẫn ở mức thấp”, theo báo cáo ‘Myanmar’s Media From An Audience Perspective’ (Truyền thông Myanmar dưới góc nhìn độc giả) năm 2018 do Hỗ trợ truyền thông quốc tế - Viện Truyền thông Fojo xuất bản.

Số người dùng Facebook tại Myanmar vượt mức 27 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số nước này.

Diệp Uyên

Giữa dịch Covid-19, thông tin sai lệch được lan truyền ngày càng nhiều, thậm chí là còn “thích nghi” với thời cuộc. Thời gian đầu, các tin giả thường xoay quanh việc chữa trị Covid-19, nay, các thông tin này có xu hướng nói về vắc xin. Một trong những tin sai sự thật phổ biến là vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã có mặt các khu vực biên giới hai nước.
Theo Nyein Chan, quản lí chương trình kiểm tra sự thật sớm nhất ở Myanmar MIDO, thành viên của mạng lưới kiểm tra sự thật quốc tế thuộc viện Poynter, rất nhiều thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin Covid-19 bị bóp méo từ những nguồn xác thực. Các nội dung sai hoặc mang tính định hướng được lan truyền trong các nhóm Facebook sử dụng ngôn ngữ Myanmar, mỗi nhóm có khoảng 1.000-9.000 thành viên.

Nỗ lực kiểm tra sự thật

Một năm sau đại dịch, các nhóm kiểm tra sự thật như MIDO bắt đầu có những dự đoán về bức tranh tin giả, tin thất thiệt xoay quanh Covid-19. Nyein Chan cho biết 5 mẩu thông tin sai sự thật về Covid-19 phổ biến tại Myanmar bao gồm: ăn lá sầu đâu ngăn ngừa virus, vắc xin cúm và thang thuốc truyền thống có thể chữa Covid-19, virus tạo ra từ phòng thí nghiệm, cũng như báo cáo sai về gói hỗ trợ và đóng góp của các công ty trong việc trợ giúp tài chính, y tế đến chính phủ. MIDO quét và chọn 50 mẩu tin tức và nội dung để kiểm tra mỗi ngày. Giám đốc MIDO, Phyu Phyu Thi, chia sẻ, hằng tháng, tổ chức này nhận khoảng 1.000 yêu cầu kiểm tra thông tin, chủ yếu là xoay quanh Covid-19.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động kiểm tra sự thật tại Myanmar đã phát triển đáng kể trước thực trạng thông tin sai lệch và các phát ngôn gây hận thù “bủa vây” các phương tiện truyền thông. Kèm với đó là việc thông hiểu thông tin ở mức thấp, trong khi việc sử dụng và tiếp cận trực tuyến, các mạng xã hội gần như bùng nổ. Trước dịch Covid-19, Myanmar còn thường xuyên trong tình thế phân cực chính trị và các nhóm thiểu số, cũng như xung đột vũ trang, ví dụ vấn đề Rakhine đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thông hiểu thông tin giữa hỗn loạn tin tức

Thực tế là tháng 11.2020, khi bầu cử quốc gia Myanmar diễn ra, nhiều thông tin giả, sai sự thật về chính trị kết hợp với đại dịch dẫn đến nhiều nội dung phức tạp, khó phân định trắng đen. Một trong những tin đồn nổi bật là Cố vấn Nhà nước bà Aung San Suu Kyi nhiễm Covid-19 và người xuất hiện trước người dân chỉ là người đóng giả.
Bà Phyu Phyu Thi nhận xét: “Những tin giả thay đổi khá linh hoạt dựa vào các vấn đề chính trị, xã hội. Ví dụ tần suất xuất hiện của tin sai sự thật cao hơn tin thất thiệt (tin tức cố tình bị bóp méo nhằm mục đích định hướng) vào thời điểm Covid-19. Tin thất thiệt thường xuất hiện ở từ các bối cảnh về tôn giáo và sắc tộc”. Bên cạnh đó, những thông tin sai về Covid-19 thường gây hoang mang, trong khi các vấn đề chính trị thường tạo mâu thuẫn, mất lòng tin ở các nhóm, ông Nyein Chan bổ sung.
Hiện tại Myanmar có sáu tổ chức kiểm tra sự thật. Trong khi đó, các tòa soạn báo ở nước này thường không thực hiện kiểm tra sự thật, trừ một số tờ như Myanmar Now. Một số khác nằm ngoài lĩnh vực tin tức, chủ yếu là các nhóm hoạt động xã hội. Toe Zaw Latt, Giám đốc Tiếng nói dân chủ Burma (DVB), đánh giá như vậy là chưa đủ mà phải cần từ 50-100 các nhóm kiểm tra sự thật để có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến tin sai sự thật. Số người dùng Facebook tại Myanmar vượt mức 27 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số nước này.

Tờ Frontier số tháng 2.2019.

Diệp Uyên

Tính đến năm 2015, dự án Real or Not (Thật - giả) của MIDO là dự án duy nhất ở Myanmar thực hiện kiểm tra sự thật, sau đó là dự án Think Before You Trust (Nghĩ rồi mới tin), của nhóm Burma Monitor vào năm 2017. Gần đây, sáng kiến TechPlomacy của Đại sứ quán Đan Mạch tại Myanmar đã lập quỹ tài trợ cho 6 dự án kiểm tra sự thật, bao gồm 2 dự án nêu trên và 4 dự án mới DVB Burmese, Truyền hình Mizzima, Frontier Myanmar và hãng thông tấn Mon. Letyar Tun, người quản lí quỹ này cho biết, sự đa dạng giữa những người kiểm tra sự thật và các kỹ năng khác nhau mà họ có, như công nghệ, báo chí, có thể cải thiện mạng lưới thông tin ở Myanmar.

Kiểm tra sự thật có “hút” độc giả?

Các nhóm kiểm tra sự thật cho biết dù chưa có những khảo sát cụ thể về hiệu quả giúp khán giả Myanmar giảm lòng tin vào tin giả hay không, nhưng chắc chắn việc này đã cải thiện chất lượng không gian tin tức. Nyein Chan nhận định những bình luận, chia sẻ trên Facebook của những nội dung kiểm tra sự thật của MIDO cho thấy độc giả khá quan tâm. Tuy nhiên, để nhận thêm tương tác, MIDO dự định sẽ chuyển hình thức thể hiện từ chữ sang âm thanh và video. Họ cũng cộng tác với những tòa soạn báo chính thống để mở rộng việc tiếp cận.
Leytar Tun cũng có quan điểm tương tự, những thông tin trên báo chí sẽ được chú ý hơn từ các tổ chức, trong khi đó, Toe Zaw Latt nhận thấy khán giả ít quan tâm đến những nội dung kiểm tra sự thật. Leytar Tun mong đợi việc chia sẻ sự thật là “nghĩa vụ” của mỗi công dân, tuy nhiên, có vẻ như tâm lí của người dân là chia sẻ tin giả nhiều hơn. Vì thế mà nhà báo Kyi Kyi Lwin gợi ý các cơ quan báo chí nên sản xuất nhiều tin bài về kiểm tra sự thật, có thể dưới dạng điều tra, để thu hút độc giả và giải thích vì sao chuyện đó quan trọng.
Ngoài ra, theo Phyu Phyu Thi từ MIDO, việc xác thực thông tin không chặn đứng hoàn toàn các thông tin sai lệch, thất thiệt, nhưng có thể cảnh báo khán giả và kêu gọi các mạng xã hội gỡ những nội dung này. Điều này cũng đặt vấn đề với các công ty công nghệ lớn nhất như Facebook, YouTube hay Twitter trong việc kiểm soát thông tin trên hệ thống của mình. Bà cũng gợi ý việc nâng cao năng lực và hiểu biết truyền thông cho người dân, đặc biệt là người trẻ, để ngăn chặn lan truyền tin giả.
Bài viết về kiểm tra sự thật được lược dịch của nhà báo Moe Myint tại Yangon, từ dự án Reporting ASEAN, chuyên các vấn đề trong khu vực Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.